Theo tờ USA Today, ngày 10.7 (giờ địa phương), Mỹ ghi nhận nhiều kỷ lục đáng lo ngại, khi mưa lớn và lũ lụt quét qua đông bắc nước này, buộc người dân phải sơ tán và nhiều chuyến bay bị hoãn. Tình hình lũ lụt nghiêm trọng nhất là ở bang Vermont, khi nước lũ tràn vào các tuyến đường và nhà cửa trong đêm 9.7 đã khiến các lực lượng cứu hộ phải mất nhiều tiếng đồng hồ mới tiếp cận được hiện trường.
Trong khi đó, cơn bão được cho là tồi tệ nhất kể từ năm 2011 cũng đã khiến một cư dân bang New York thiệt mạng khi cố gắng ra khỏi nhà. Sau đó, Thống đốc bang New York, bà Kathy Hochul, đã ban bố tình trạng khẩn cấp cho Quận Cam, cách TP.New York khoảng 97 km về phía bắc.
Trước các đợt lũ bất thường, giới khoa học khí quyển Mỹ cho rằng sự tàn phá ở các bang của nước này không liên quan thảm họa lũ lụt lớn ở Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia đã phát hiện điểm chung của những đợt bão lũ gần đây ở Mỹ là chúng đều hình thành trong bầu không khí ấm hơn, gây ra các trận mưa cực lớn.
Trong khi vùng đông bắc hứng chịu mưa lũ, tờ The Guardian đưa tin nhiệt độ ở một số khu vực thuộc các bang như Texas, Florida và vùng tây nam nước Mỹ không hề giảm, mà trái lại tăng cao. Riêng ở Texas, nhiệt độ và độ ẩm cao đã đẩy các chỉ số nhiệt lên tới 46 độ C trên khắp các vùng phía nam. Theo dự báo thời tiết, đến cuối tuần này, cái nóng sẽ không giảm bớt mà sẽ chuyển hướng, tập trung ở bang Arizona, khiến thành phố vốn đã ghi nhận mức nhiệt trên 43 độ C trong 10 ngày liên tiếp như Phoenix, sẽ còn lập nhiều kỷ lục tồi tệ hơn, CNN đưa tin.
Hàng chục triệu người từ bang Florida đến bang California cũng đang chuẩn bị đón nhận thêm những đợt nắng nóng mới. Một khuyến cáo mới về tình hình nhiệt độ gay gắt đã được ban hành cho miền nam Florida vào sáng 10.7, vài ngày sau khi các kỷ lục nhiệt độ liên tiếp bị phá vỡ ở TP.Miami, với khoảng 15 lần kể từ đầu tháng 6.
Ngày nóng nhất thế giới ảnh hưởng cả ngôi làng lạnh nhất thế giới
Bên cạnh các nguy cơ nắng nóng cực đoan, các quan chức từ Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) cảnh báo sự tích tụ bụi trong bầu khí quyển từ sa mạc Sahara đang làm giảm khả năng có mưa. Trong một diễn biến khác, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu đã ở mức cao kỷ lục trong tháng 5 và tháng 6, đe dọa các rạn san hô và sinh vật biển. Theo cơ quan này, nhiệt độ đang tỏa vào khí quyển và sẽ tiếp tục "vòng tuần hoàn" tạo ra các đợt nắng nóng thậm chí gay gắt hơn.
Bình luận (0)