Quân đội Mỹ ngày 22.4 đã sơ tán nhân sự Đại sứ quán Mỹ cùng người thân của họ tại thủ đô Khartoum của Sudan và Pháp cũng có hành động tương tự sau nỗ lực đầu tiên của Ả Rập Xê Út, theo tường thuật của các hãng tin.
Trong tuyên bố được phát đi tối 22.4 (giờ Washington DC), Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận việc ông đã ra lệnh cho quân đội sơ tán nhân sự chính phủ Mỹ ở Khartoum. Ông bày tỏ lòng biết ơn đối với "kỹ năng vô song của các quân nhân đã thành công đưa họ đến nơi an toàn", đồng thời cho biết Djibouti, Ethiopia và Ả Rập Xê Út đã giúp đỡ trong chiến dịch, theo AFP.
Hai nhân vật ở tâm điểm xung đột phe phái Sudan là ai?
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ John Bass cho biết gần 100 người đã được sơ tán trong chiến dịch của nước này. Một số lượng đáng kể nhân sự người địa phương của Đại sứ quán Mỹ tại Khartoum vẫn ở lại để hỗ trợ phái bộ. Hiện tại, cơ quan ngoại giao của Washington đã đóng cửa để phòng ngừa rủi ro an ninh.
Bộ Ngoại giao Pháp ngày 23.4 cho biết nước này cũng đã tiến hành sơ tán nhân sự sứ quán và công dân nước này tại Sudan, Reuters đưa tin. Trước đó, Ả Rập Xê Út là nước đầu tiên tiến hành sơ tán công dân hôm 21.4, đưa khỏi Sudan hơn 150 người mang nhiều quốc tịch khác nhau.
Các lực lượng do hai chỉ huy quân đội vốn từng là đồng minh đã gây chiến với nhau để tranh giành quyền lực, dẫn đến xung đột ở Sudan suốt một tuần qua. Washington ngày 22.4 liên tục kêu gọi các bên gia hạn và mở rộng lệnh ngừng bắn nhân dịp lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo để chấm dứt bạo lực. Mỗi bên đều cáo buộc bên kia không tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn.
Chiến dịch sơ tán của Mỹ chỉ có hơn 100 lính đặc nhiệm tham gia, bắt đầu lúc 15 giờ ngày 23.4 (giờ địa phương). Các máy bay của Mỹ, bao gồm 3 trực thăng vận tải MH-47 Chinook, cất cánh từ một căn cứ quân sự của Washington ở Djibouti, dừng lại ở Ethiopia để tiếp nhiên liệu, sau đó bay đến Khartoum trong 3 tiếng.
Quân đội Mỹ cho biết lực lượng của họ chỉ dành một tiếng trên mặt đất ở Sudan trước khi cất cánh trở lại, tiến vào và ra khỏi Sudan mà không bị các phe tham chiến trên mặt đất tấn công.
Giao tranh phe phái Sudan: Nguy cơ được mất gì cho các cường quốc?
Theo Thứ trưởng Bass, Mỹ không nghĩ rằng tình hình an ninh ở Sudan sẽ thay đổi trong tương lai gần và Washington trước mắt chưa có kế hoạch phối hợp sơ tán công dân Mỹ ở Sudan. Trong khi đó, quân đội Mỹ đang xem xét các phương án để cung cấp cho người Mỹ một số hỗ trợ để họ rời khỏi Sudan, nhưng chưa tính đến một chiến dịch sơ tán quy mô lớn do chính phủ Mỹ chỉ đạo, giống như cuộc sơ tán mà họ đã thực hiện ở Afghanistan vào năm 2021.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chris Maier cho biết quân đội Mỹ có thể sử dụng hình ảnh vệ tinh hoặc máy bay không người lái để phát hiện các mối đe dọa đối với người Mỹ đi trên các tuyến đường bộ ra khỏi Sudan, hoặc bố trí lực lượng của hải quân tại Port Sudan, thành phố cảng nằm ven biển Đỏ, để hỗ trợ người Mỹ đến đó.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Phi, Molly Phee, cho biết Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã đề nghị cung cấp hỗ trợ toàn diện cho máy bay của các nước khác khả năng bay qua và tiếp nhiên liệu trong chiến dịch sơ tán. Ethiopia tiếp giáp Sudan và Djibouti.
Tình hình công dân Việt Nam tại Sudan
Về công tác bảo hộ công dân của Việt Nam trong bối cảnh xung đột vũ trang tại Sudan, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt ngày 20.4 cho biết một công dân mang quốc tịch Việt Nam và Úc sinh sống tại thủ đô Khartoum và 16 thuyền viên Việt Nam trên tàu tại cảng Port Sudan vẫn đang an toàn.
"Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Sudan đang theo dõi sát tình hình, sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ cần thiết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính dáng của công dân Việt Nam", ông Việt nói, theo website Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Bình luận (0)