Mỹ 'quan ngại' về sự xuất hiện của tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ

Văn Khoa
Văn Khoa
06/04/2019 10:33 GMT+7

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ vừa cảnh báo Trung Quốc đang gây quan ngại với sự xuất hiện số lượng lớn tàu cá của nước này gần đảo Thị Tứ.

Đảo Thị Tứ nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Philippines kiểm soát. Hôm 4.4, chính phủ Philippines lên tiếng phản đối sau khi quân đội nước này theo dõi và phát hiện 275 tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện gần đảo Thị Tứ từ tháng 1-3.
Khi được đề nghị bình luận về tình hình này giữa chuyến thăm Bangkok, Phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ chuyên trách vấn đề Đông Nam Á và Nam Á Joseph Felter nói Mỹ phải để tâm vì “những hoạt động lấn lướt của bất kỳ quốc gia nào ở Biển Đông, trong trường hợp này là Trung Quốc. Chúng tôi xem đó là mối quan ngại”, theo AP.
“Trong trường hợp này, những hoạt động của Trung Quốc là mối quan ngại, dường như mang tính gây hấn và khiêu khích và chúng tôi cảm thấy những hoạt động đó không cần thiết và phi pháp”, ông Felter nhấn mạnh.
Ông Felter còn lưu ý Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nhưng cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở liên quan đến việc hợp tác với các đồng minh và đối tác để giữ các vùng biển khu vực tự do, rộng mở và đảm bảo không có quốc gia nào bị tổn hại về chủ quyền.
Trung Quốc chưa có phản ứng về phát biểu trên của ông Felter. Hôm 4.4, Bắc Kinh xem nhẹ căng thẳng đang dâng cao với Manila về đảo Thị Tứ, nói rằng cả hai bên đã “trao đổi quan điểm một cách thẳng thắn, thân thiện và mang tính xây dựng”, theo AFP.
Tàu hải cảnh Trung Quốc trong một lần xuất hiện gần đảo Thị Tứ CHỤP MÀN HÌNH BÁO PHILIPPINE DAILY INQUIRER
Trước đó vào ngày 14.3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam sau các diễn biến ở đảo Thị Tứ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.
Người phát ngôn nói "các bên liên quan cần tuyệt đối tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), đặc biệt là quy định về việc kiềm chế, không có hành vi gây phức tạp và gia tăng tranh chấp, kể cả không có hành vi chiếm đóng những câu trúc chưa có người ở tại Biển Đông“.
Bà cũng kêu gọi các bên hành xử có trách nhiệm, có đóng góp thiết thực, tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.