Mỹ rút thêm 'bài học xương máu' từ xung đột Ukraine?

Khánh Như
Khánh Như
09/07/2023 14:30 GMT+7

Xung đột Ukraine làm bộc lộ phần dễ bị tổn thương nhất của một quân đội chính là sở chỉ huy - "bộ não" điều khiển mọi hoạt động. Việc phá vỡ các cứ điểm điều khiển khiến ngay cả các đơn vị mạnh nhất cũng gần như trở nên bất lực.

Đó chính xác là những gì Ukraine đã làm vào mùa hè năm 2022 khi nước này sử dụng rốc két HIMARS trang bị hệ thống định vị GPS do Mỹ cung cấp để nhắm vào các sở chỉ huy của Nga gần tiền tuyến. Cuộc tấn công đã giúp Ukraine tái kiểm soát một số khu vực lãnh thổ và dẫn đến việc rút quân của Nga khỏi TP.Kherson (tỉnh Kherson), theo trang Business Insider.

Theo tờ báo, việc đối phó những cuộc tấn công như vậy của Ukraine đã làm giảm mức độ hiệu quả trong hoạt động quân sự của Nga. Các trụ sở chỉ huy của Nga đã dịch chuyển ra xa khoảng 120 km so với tiền tuyến, đặt ra những thách thức chiến thuật đáng kể đối với quân đội nước này", theo báo cáo của Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI).

Mỹ rút thêm bài học xương máu từ xung đột Ukraine? - Ảnh 1.

Ukraine tuyên bố phá hủy một sở chỉ huy quân đội Nga vào ngày 13.3

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG UKRAINE

Việc Ukraine phần nào thành công trong chiến thuật tấn công sở chỉ huy của Nga đã đặt ra một câu hỏi hóc búa cho quân đội Mỹ: "Nếu Ukraine có thể làm điều này với các sở chỉ huy của Nga, liệu quân đội các nước khác có thể làm điều đó với các sở chỉ huy của Mỹ?".

Sở chỉ huy ngày càng "phình" to?

Theo chuyên trang quân sự C4ISRNET, trong quá khứ, các sở chỉ huy Mỹ chủ yếu cố định một chỗ, các bước thiết lập và tháo dỡ rườm rà, và thường dễ bị phát hiện thông qua dấu vết nhiệt độ, tiếng ồn và sóng từ các thiết bị điện tử. Những điểm yếu này sẽ không đủ sức bảo vệ Mỹ trước những cường quốc quân sự lớn, như Trung Quốc hoặc Nga, với khả năng xác định mục tiêu và cảm biến ngày càng hoàn thiện.

Vũ khí phương Tây giúp Ukraine có thêm sức mạnh gì trong phản công?

Những điểm yếu trên đã được khắc phục phần nào, song nó lại đặt ra nhiều thách thức thậm chí còn lớn hơn. Trong một bài viết trên tạp chí của quân đội Mỹ Military Review, 3 sĩ quan Mỹ cho biết các sở chỉ huy của nước này đã biến đổi khỏi những cỗ máy gọn gàng mà họ cần và thay vào đó là những cỗ máy "mập mạp và nặng nề". Trong chiến tranh hiện đại, trạm chỉ huy càng lớn thì nguy cơ nó bị phát hiện và tấn công bằng vũ khí tầm xa chính xác trên chiến trường càng lớn hơn nữa.

Bên cạnh đó, bài viết trên Military Review, cũng chỉ ra rằng các trung tâm điều khiển của quân đội Mỹ hiện đang sử dụng ăng-ten phát tần số vô tuyến, hàng tá máy phát điện và phương tiện. Điều này càng làm tăng rủi ro cho các sở chỉ huy vì ngay cả những người chưa được đào tạo cũng có thể bắt được các tín hiệu như vậy. Đây là kết quả của việc chỉ huy và kiểm soát trở nên tinh vi hơn, vì các lãnh đạo quân sự phải gửi và nhận một luồng thông tin liên tục. 

Ngoài ra, nhiều năm đối phó và chiếm ưu thế trong các cuộc chiến quy mô nhỏ nhằm vào các đối thủ "không xứng tầm" cũng dẫn đến sự tự mãn trong giới lãnh đạo quân sự.

Mỹ rút thêm bài học xương máu từ xung đột Ukraine? - Ảnh 2.

Một sở chỉ huy chiến thuật của quân đội Mỹ

QUÂN ĐỘI MỸ

Theo bài viết, các sở chỉ huy của phương Tây đang đối mặt những thách thức đáng kể về khả năng sống sót sau các cuộc tấn công, đặc biệt là đối với các trung tâm kiểm soát cấp cao hơn. "Ngay cả khi những nỗ lực đã được thực hiện để cải thiện tính di động của các sở chỉ huy, chúng tôi cũng không có khả năng che giấu dấu hiệu đa phổ của những cấu trúc khổng lồ này", các chuyên gia quân sự viết.

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này xuất hiện. Sau Thế chiến II, các cựu tướng thiết giáp Đức nhận xét rằng các sở chỉ huy của Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã trở nên quá lớn.

Cách kéo giảm rủi ro?

Tuy nhiên, vẫn có cách để ít nhất giảm thiểu một phần rủi ro. Một là di chuyển các sở chỉ huy ra xa phòng tuyến và củng cố chúng để chống lại các cuộc oanh tạc hoặc đột kích của địch thủ. Trong xung đột Ukraine, Nga đã chọn cách tắt các tín hiệu vô tuyến, theo Business Insider.

Nga điều chỉnh chiến thuật ra sao sau những bài học trong xung đột Ukraine?

Bài viết của Military Review cũng đề xuất việc tạo ra "sở chỉ huy tập trung vào dữ liệu" để tận dụng lợi thế của công nghệ như đám mây. Theo các tác giả, nếu chúng ta hình dung các sở chỉ huy không còn là một địa điểm hay một vật thể, mà là "một dịch vụ", thì sự linh hoạt có thể tăng rất lớn. "Điều gì sẽ xảy ra nếu một chỉ huy quân đoàn, sư đoàn hoặc lữ đoàn đến, nắm quyền kiểm soát bất kỳ sở chỉ huy nào và theo sát các cấp độ hoạt động chỉ bằng một nút bấm?".

Một giải pháp khác có thể là thực tế ảo. Công nghệ này sẽ cho phép các sở chỉ huy được duy trì ở những vị trí an toàn cách xa mặt trận. Tuy nhiên, điều này có thể làm dấy lên nỗi ám ảnh về những " lãnh tướng" trong Thế chiến I, những người bị chế giễu vì không bao giờ đến gần chiến hào và không biết cuộc chiến thực sự như thế nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.