Mỹ tài trợ 14,2 triệu USD giúp 3 đại học lớn: Liệu có được như kỳ vọng?

Quý Hiên
Quý Hiên
08/08/2022 07:15 GMT+7

Mỹ chính thức khởi động dự án 14,2 triệu USD, giúp 3 đại ĐH của Việt Nam đổi mới giáo dục . Theo các ĐH hưởng lợi từ dự án, mục tiêu của dự án là 'khó nhằn' bởi mô hình ĐH Việt Nam quá khác với Mỹ.

Mới đây, Chính phủ Mỹ thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã chính thức khởi động dự án Hợp tác đổi mới giáo dục đại học (ĐH), viết tắt là PHER.

200.000 sinh viên hưởng lợi trực tiếp

Đây là dự án có ngân sách 14,2 triệu USD, do USAID tài trợ không hoàn lại. Dự án kéo dài trong 5 năm, từ 2022 - 2026. Trong 5 năm đó, ĐH Indiana của Mỹ sẽ giúp 3 ĐH lớn hàng đầu Việt Nam cải thiện chất lượng giáo dục, tăng cường năng lực quản trị, để 3 ĐH trở thành các hình mẫu của nền giáo dục ĐH hiện đại tại Việt Nam. 3 ĐH hưởng lợi từ dự án gồm: Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP.HCM, Đà Nẵng. Ước tính có khoảng hơn 200.000 sinh viên được hưởng lợi ích trực tiếp từ dự án PHER.

Theo ĐH Quốc gia Hà Nội, dự án PHER sẽ hỗ trợ để các ĐH đối tác đạt được 3 mục tiêu: tăng cường bền vững tài chính và tự chủ; cải thiện chất lượng giáo dục; nâng cao năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. 4 trụ cột của dự án gồm: đổi mới quản trị ĐH; nâng cao chất lượng giảng dạy; tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy liên kết ĐH - doanh nghiệp. Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể này, các hoạt động của dự án cũng được tổ chức thành 4 hợp phần với tên gọi tương ứng.

Cụ thể, PHER sẽ giới thiệu, cập nhật những phương pháp dạy và học mới hiện đại, toàn diện và có tính thực tiễn cao để 3 ĐH triển khai một số phương pháp đào tạo giúp sinh viên chú trọng phát triển kỹ năng mềm và cách áp dụng kiến thức trên lớp vào cuộc sống. PHER sẽ cùng 3 ĐH hoàn thiện các chương trình hỗ trợ nghiên cứu, cũng như hình thành các chương trình hợp tác đào tạo và liên kết giữa ĐH - doanh nghiệp giúp sinh viên sẵn sàng gia nhập thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp.

PHER sẽ tăng cường khả năng kết nối mạng lưới các nhà khoa học Việt Nam với quốc tế thông qua việc hình thành và vận hành các nhóm nghiên cứu mạnh trong một số lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp và khu vực tư nhân bằng cách hỗ trợ các ĐH chủ động tìm kiếm, kết nối và chứng minh khả năng tạo ra giá trị cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng và xã hội. Cuối cùng, PHER hỗ trợ các ĐH trên phương diện quản trị, thông qua giới thiệu, hỗ trợ xây dựng, triển khai các phương thức, mô hình, công cụ quản trị hiện đại, hiệu quả; hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị cho các cấp lãnh đạo và tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm quản trị với những lãnh đạo ĐH trên thế giới.

Lãnh đạo 3 đại học hưởng lợi từ dự án Hợp tác đổi mới giáo dục ĐH

NGỌC DIỆP

Theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đây là cơ hội không chỉ cho 3 ĐH hưởng lợi dự án, mà còn giúp lan tỏa những kinh nghiệm trong triển khai đổi mới giáo dục ĐH cho hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam.

Hai hệ thống nhiều khác biệt

Tuy nhiên, theo PGS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nếu trong quá trình triển khai dự án, phía Mỹ áp nguyên mô hình của ĐH Indiana để các ĐH Việt Nam học hỏi thì dự án rất khó thực hiện do có sự khác biệt rất lớn về hệ thống của 2 nền ĐH.

Có rất nhiều khác biệt. Nếu chúng ta không có chung nhận thức về sự khác biệt này thì sẽ rất khó đi cùng nhau. Chúng ta có thể học được từ ĐH Indiana nhiều bài học về quản trị, nhưng khi đưa vào Việt Nam thì không áp dụng được.

PGS Vũ Hải Quân (Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)

“Chúng ta có một hợp phần về tự chủ và quản trị ĐH, nhưng chúng ta lại có sự khác biệt về vấn đề này. Ví dụ, về công tác tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ, Việt Nam khác với Mỹ. Tôi là giám đốc ĐH quốc gia nên hằng ngày vẫn phải ký các hợp đồng liên quan tới đấu thầu thiết bị, các hợp đồng tài chính. Tôi cần tìm một người có năng lực, có chuyên môn, tư vấn giúp tôi việc này; nhưng người đó phải thỏa mãn các điều kiện khác. Thế thì không dễ chút nào!”, PGS Vũ Hải Quân nêu vấn đề.

PGS Vũ Hải Quân cũng đưa ra một số ví dụ khác cho thấy về quản trị ĐH có sự khác biệt giữa 2 hệ thống giáo dục ĐH nên không dễ gì Việt Nam học được Mỹ. Chẳng hạn ở Mỹ, ĐH tự bổ nhiệm GS, PGS cho mình là bình thường; còn ĐH Việt Nam phải đi theo đủ quy trình của Hội đồng GS Nhà nước là phải qua 4 cấp hội đồng thì mới có thể bổ nhiệm GS, PGS. Hoặc ĐH Việt Nam cũng không có khoản ngân sách dành riêng cho chuyển đổi số. Muốn có thì phải xây dựng đề án, nhưng khi vận hành thì cũng không có khoản kinh phí cụ thể cho việc này.

Chính phủ Mỹ thông qua Cơ quan Hợp tác Phát triển Mỹ USAID đã khởi động dự án Hợp tác đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam (PHER) có ngân sách 14,2 triệu USD

ngọc diệp

Để nâng cao chất lượng giảng dạy, cả 3 ĐH đều có cái khó là các thầy cô đều phải đảm nhiệm một khối lượng công việc giảng dạy rất lớn. Có những thầy cô suốt cả tuần phải dạy, dạy cả sáng, cả chiều, thậm chí phải đi đến các cơ sở khác để dạy. Nguồn thu nhập chính của các thầy cô là từ giảng dạy. Nên khi được yêu cầu đổi mới giảng dạy, đa phần các thầy cô e ngại, vì rõ ràng họ phải thêm việc mà lại có nguy cơ giảm thu nhập.

Liên quan yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu đổi mới sáng tạo, một ví dụ cho thấy các ĐH Việt Nam khó được như ĐH Mỹ là các trường không có kinh phí để cho sinh viên học sau ĐH, người học phải đóng phí và không có học bổng, nên tỷ lệ học sau ĐH hiện nay rất ít. Các ĐH cũng không có chính sách chung để có những người chuyên làm nghiên cứu. Đa phần thầy cô vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, nhưng phần giảng dạy quá lớn như đã nói ở trên nên ít thời gian dành cho nghiên cứu. Đó là lý do tại sao năng suất nghiên cứu của giáo viên ĐH ở Việt Nam thấp hơn so với mặt bằng chung.

“Có rất nhiều khác biệt. Nếu chúng ta không có chung nhận thức về sự khác biệt này thì sẽ rất khó đi cùng nhau. Chúng ta có thể học được từ ĐH Indiana nhiều bài học về quản trị, nhưng khi đưa vào Việt Nam thì không áp dụng được”, PGS Vũ Hải Quân nói.

Mong muốn tác động được tới chính sách

PGS Vũ Hải Quân bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn qua dự án này, ĐH Indiana đào tạo giúp cho chúng tôi một số lãnh đạo trẻ. Nếu được đào tạo thì họ sẽ có khát vọng muốn thay đổi, cái khát vọng là rất quan trọng. Như vậy, chúng ta mới thực hiện được những thay đổi. Thứ hai, chúng tôi kỳ vọng sau dự án này chúng ta có một số chương trình đào tạo mới được thiết kế theo hướng hiện đại, hội nhập, và có thể tiến tới đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế cao. Thứ ba, thông qua dự án này, chúng tôi có mong muốn có những tác động tới chính sách để làm thế nào cả xã hội cũng như Chính phủ có sự quan tâm tới giáo dục, đặc biệt là giáo dục ĐH”.

Một đại diện ĐH khác hưởng lợi từ dự án, GS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng mục tiêu dự án là tham vọng nhưng khả thi, sát thực và hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn, sứ mạng và chiến lược phát triển của 2 ĐH quốc gia và ĐH Đà Nẵng. Dự án sẽ thực hiện được nếu các ĐH xác định rõ mình tham gia với 2 vai: đơn vị được hưởng, được nhận; đơn vị tham gia vào để đóng góp và cùng nhau phát triển cộng đồng ĐH của chúng ta, từ đó cùng nhau đề xuất được, triển khai được nhiều giải pháp, và sẽ đạt được nhiều kết quả. Nhưng GS Lê Quân cũng bày tỏ mong muốn được các bộ, ngành mạnh dạn giao cho 3 ĐH đề xuất triển khai thí điểm nhiều nhiệm vụ để làm sao dự án thực sự xứng đáng với cái tên “đổi mới giáo dục ĐH”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.