Sau khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có chuyến thăm Việt Nam, Nhà Trắng đã đăng toàn văn sách lược của chính phủ Mỹ, cam kết đối với tương lai của Việt Nam và bản chất lâu dài của quan hệ đối tác Mỹ - Việt Nam. Trong đó có nội dung cam kết hợp tác cải cách giáo dục.
Về hợp tác cải cách giáo dục, sẽ có dự án Hợp tác đổi mới giáo dục ĐH kéo dài 5 năm cung cấp tối đa 14,2 triệu USD nhằm tăng cường giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới và quản trị trong 3 ĐH lớn nhất Việt Nam.
Theo bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam, mục tiêu của USAID khi hỗ trợ lĩnh vực giáo dục ĐH của Việt Nam là nhằm giúp hiện đại hóa hệ thống giáo dục ĐH để đào tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề cao, được trang bị đầy đủ các yếu tố cần thiết đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang hiện đại hóa nhanh chóng và thị trường toàn cầu ngày một cạnh tranh.
|
Các chương trình hỗ trợ giáo dục ĐH của USAID tập trung vào 3 lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên, đó là khoa học và kỹ thuật, y khoa và giáo dục khai phóng.
Ba trường ĐH lớn của Việt Nam nhận hỗ trợ này gồm ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Đà Nẵng. Dự án Hợp tác đổi mới giáo dục ĐH sẽ hỗ trợ các trường này để có thể trở thành những cơ sở giáo dục ĐH đẳng cấp thế giới. Dự án sẽ triển khai các hoạt động để đạt được 3 mục tiêu tương trợ lẫn nhau, đó là tăng cường tính bền vững và tự chủ, cải thiện chất lượng đào tạo học thuật, tăng cường năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo tại 3 ĐH đối tác này.
Bà Ann Marie Yastishock cho hay với dự án Hợp tác đổi mới giáo dục ĐH, 3 trường ĐH đối tác được kỳ vọng sẽ nâng cao tính bền vững, trách nhiệm giải trình và tự chủ hơn thông qua cải thiện công tác quản trị, chất lượng học thuật, năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Dự án sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam để nghiên cứu, rà soát môi trường chính sách giáo dục ĐH hiện nay và sẽ hỗ trợ tiếp tục đẩy mạnh các cải cách. Dự án không chỉ mang lại lợi ích cho 150.000 sinh viên của 3 ĐH này mà còn cho cả ngành giáo dục ĐH nói chung.
Bình luận (0)