Tại sao Huế khôi phục môn nữ công gia chánh trong trường học?

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
14/03/2021 06:35 GMT+7

Việc tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức thí điểm dạy môn nữ công gia chánh trong trường học tại Huế đang được dư luận quan tâm.

Tại buổi làm việc với Trường THPT Hai Bà Trưng (TP.Huế) vào ngày 11.3, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp với các hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh và Hội Cựu nữ sinh Đồng Khánh - Hai Bà Trưng... thí điểm khôi phục lại môn học nữ công gia chánh, để giáo dục kỹ năng và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Mục tiêu rời trường phải nấu được bữa ăn

Theo ông Phan Ngọc Thọ, dạy nữ công gia chánh để dạy về kỹ năng sống, hiểu biết về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế.
Vì vậy, ông Thọ yêu cầu ngành giáo dục, bên cạnh dạy kiến thức văn hóa theo chương trình quốc gia, phải tập trung vào giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, lịch sử, văn hóa và con người Huế, để cốt cách Huế thấm sâu vào học sinh Huế, để học sinh Huế có lòng tự hào về vùng đất, lòng biết ơn, lòng vị tha, làm hành trang cho các em vào đời. Ông Thọ đã thống nhất cho Trường THPT Hai Bà Trưng thí điểm khôi phục lại việc dạy môn nữ công gia chánh trong nhà trường từ năm học 2021 - 2022.
Ông giao trách nhiệm cho ngành giáo dục sưu tầm có chọn lọc các tài liệu dạy nữ công gia chánh trước đây để phối hợp với các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực tiến hành biên tập, bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp với phương châm vừa học vừa chơi vừa trải nghiệm.
“Không lý thuyết cao siêu để tạo hứng thú học tập cho các em học sinh, với mục tiêu sau khi rời trường phổ thông các em học sinh phải biết chế biến một số món ăn cơ bản của Huế, đảm nhận được bữa ăn của gia đình”, ông Thọ yêu cầu.

Cần thiết và cấp bách?

Theo nghệ nhân Mai Thị Trà, cựu nữ sinh Đồng Khánh và là cựu giáo viên Trường THPT Hai Bà Trưng, Trường THPT Hai Bà Trưng là ngôi trường trước đây có thế mạnh về đào tạo nữ công gia chánh. Đây là môn học được nữ sinh rất yêu thích, tập trung vào kỹ năng dưỡng nhi, kế hoạch chi tiêu gia đình, thêu, may, chế biến các món ăn truyền thống của Huế. Bản thân cô Trà rất yêu thích học môn này và cũng là người tâm huyết truyền dạy môn học này, nhưng rất tiếc ngày nay đã mai một.
Nữ sinh Trường THPT Hai Bà Trưng - Huế, trong ngày hội trường ẢNH: BÙI NGỌC LONG

Nữ sinh Trường THPT Hai Bà Trưng - Huế, trong ngày hội trường

ẢNH: BÙI NGỌC LONG

Cô Nguyễn Khoa Diệu Huyền, Trưởng ban liên lạc cựu nữ sinh Đồng Khánh - nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, cho rằng môn học nữ công gia chánh tại trường nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa, ngoài việc bồi dưỡng kỹ năng về nữ công gia chánh, tại các tiết học này còn là nơi dạy nét văn hóa ứng xử, tác phong của phụ nữ Huế.
“Ngày nay, qua nhiều cải cách giáo dục, một lượng lớn nữ sinh khi bước vào tuổi trưởng thành, ra khỏi mái trường phổ thông lại hạn chế về kiến thức, kỹ năng về nữ công gia chánh, thiếu am hiểu về văn hóa ẩm thực, ảnh hưởng không nhỏ trong cuộc sống và đặc biệt khi là người phụ nữ của gia đình. Do vậy phục hồi việc dạy học môn nữ công gia chánh là hết sức cần thiết và cấp bách”, cô Nguyễn Khoa Diệu Huyền nêu ý kiến.

Không chỉ dành cho nữ sinh

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế, cho rằng: Việc khôi phục lại môn học nữ công gia chánh tại Huế là hướng đi hoàn toàn phù hợp với xu hướng đổi mới giáo dục hiện nay. Theo chương trình đổi mới giáo dục sắp đến, cơ cấu chương trình sẽ gồm 80% giáo dục của chương trình quốc gia và 20% chương trình dành cho giáo dục địa phương. Sở GD-ĐT đang xây dựng chương trình theo hình thức các câu lạc bộ ngoại khóa, tương tự các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao trong trường học như: văn học, võ thuật, ca Huế, guitar, bóng đá, bóng rổ

Cân nhắc các chi tiết khi thực hiện

GS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cho rằng tỉnh Thừa Thiên-Huế chọn Trường THPT Hai Bà Trưng để thực hiện thí điểm khôi phục môn nữ công gia chánh là một lựa chọn mang tính biểu tượng.
“Trước đây, đó là Trường Đồng Khánh, trường mà các nữ sinh được học gia chánh rất kỹ lưỡng. Truyền thống của Huế xưa cũng là phụ nữ giỏi nữ công gia chánh”, GS Lý nhận xét và cho rằng: “Việc khôi phục những biểu tượng như thế cần rất cẩn trọng. Truyền thống cũng thay đổi chứ truyền thống có đứng yên bao giờ đâu. Vì thế nếu đưa nữ công gia chánh vào giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường thì cần cân nhắc các chi tiết khi thực hiện. Chẳng hạn, lấy tên cũ “nữ công gia chánh” vào có nên không, trong các giờ dạy giảng viên có nhấn vào thông điệp đó là công việc của giới nữ là chính không”.
“Việc thực hiện cần làm thế nào để có thể chuyển được thông điệp đây là môn học khuyến khích truyền thống cho tất cả và không phải chỉ riêng cho phụ nữ. Xét cho cùng việc nấu nướng đàn ông cũng có thể làm tốt cơ mà”, GS Lý nói.
Trinh Nguyễn
“Việc khôi phục các môn học giáo dục truyền thống tại Huế nhằm thực hiện chiến lược phát triển của địa phương trong giáo dục đạo đức, lịch sử, văn hóa và xây dựng con người Huế, cốt cách Huế; trang bị cho các em kỹ năng sống và bảo tồn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương”, ông Tân nói và cho rằng: “Giáo dục nữ công gia chánh là tên gọi của một môn học kỹ năng, nhưng không phải chỉ dành riêng cho nữ mà học sinh nam cũng có thể học để tự trang bị kiến thức và kỹ năng ẩm thực, tự phục vụ bản thân và gia đình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.