Mỹ tái trừng phạt Iran

Bảo Vinh
Bảo Vinh
08/08/2018 07:30 GMT+7

Mỹ tuyên bố cấm vận là cách để buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán, trong khi Tehran cùng các bên liên quan trong thỏa thuận hạt nhân phản đối biện pháp này.

Hôm qua, Mỹ chính thức tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn lên Iran kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 5 vốn được Tehran ký với nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức). Theo thỏa thuận, Iran giới hạn chương trình hạt nhân, đổi lại được nới lỏng các biện pháp trừng phạt về tài chính, kinh tế và dầu mỏ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump ngày 6.8 lặp lại chỉ trích cho rằng đây là “thỏa thuận tồi tệ và một chiều”, không giúp đạt được mục tiêu cơ bản để ngăn chặn Iran chế tạo bom hạt nhân.
Theo CNN, lệnh trừng phạt mới của Mỹ cấm chính phủ Iran mua đồng USD, cấm các giao dịch với Iran trong nhiều ngành công nghiệp chủ chốt như khoáng sản, ô tô. Trong sắc lệnh hành pháp đã ký, Tổng thống Trump nêu rõ lệnh trừng phạt nhằm gây sức ép tài chính lên Tehran để tạo ra giải pháp toàn diện và lâu dài đối với “mối đe dọa hạt nhân và những hành động xấu của nước này trong khu vực bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo và việc tài trợ cho khủng bố”.
Chủ nhân Nhà Trắng hôm qua viết trên Twitter rằng đây là biện pháp trừng phạt “nhức nhối nhất” từng được áp dụng, đồng thời tuyên bố “bất kỳ ai làm ăn với Iran thì sẽ không được làm ăn với Mỹ”. Theo Reuters, Mỹ sẽ công bố gói trừng phạt thứ hai vào tháng 11, nhắm vào lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của Iran.
[VIDEO] Tổng thống Trump tái áp dụng lệnh trừng phạt lên Iran
Đáp lại, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Washington cần tỏ ra đáng tin cậy để Tehran có thể chấp nhận đề nghị đàm phán. “Nếu bạn là kẻ thù và bạn đâm người khác bằng dao, rồi bạn nói muốn đàm phán. Vậy điều trước tiên bạn cần làm là rút con dao ra đã”, AFP dẫn lời ông Rouhani phát biểu trên truyền hình. Nhà lãnh đạo Iran tự tin có thể đứng vững trước sức ép kinh tế từ Mỹ và cho biết Nga và Trung Quốc đã cam kết sẽ không tuân thủ lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Nga sau đó tuyên bố hết sức thất vọng về quyết định của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh sẽ làm mọi thứ cần thiết để cứu thỏa thuận hạt nhân và bảo vệ lợi ích kinh tế chung với Tehran.
Trong khi đó, đại diện Liên minh Châu Âu (EU) và ngoại trưởng 3 nước Anh, Đức, Pháp hôm qua phát tuyên bố chung tái khẳng định thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran là quan trọng đối với an ninh của châu Âu, khu vực và toàn thế giới.
Cùng ngày, EU ban hành quy định mới nhằm bảo vệ giới doanh nghiệp thuộc liên minh đang giao thương hợp pháp với Iran không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của Mỹ. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất ô tô, hàng tiêu dùng của châu Âu được cho là đang rời khỏi Iran vì lo sợ bị Mỹ trừng phạt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.