Mỹ tăng khả năng hậu cần để ứng phó cuộc chiến tranh tiềm tàng với Trung Quốc?

Văn Khoa
Văn Khoa
06/05/2022 17:30 GMT+7

Lầu Năm Góc mới đây đề xuất một số cách tăng khả năng hậu cần để duy trì các lực lượng trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang ở châu Á.

Tờ Nikkei Asia ngày 3.5 đưa tin Lầu Năm Góc đánh giá các lực lượng Mỹ thiếu những khả năng hậu cần cần thiết ở châu Á để tiếp nhiên liệu và tái trang bị vũ khí trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang ở khu vực. Đánh giá này nằm trong tài liệu về việc hoạch định lâu dài cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương (PDI) được trình cho Quốc hội Mỹ vào giữa tháng 4. “Tình hình và khả năng hậu cần hiện nay để duy trì các lực lượng là không đủ cho việc hỗ trợ các chiến dịch trong môi trường chiến đấu”, tài liệu nhấn mạnh.

Lý do chính

Một trong những lý do chính Mỹ thấy các khả năng hậu cần ở châu Á chưa đủ là một sự thay đổi gần đây liên quan việc bố trí lực lượng theo cách phân tán và linh động hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, Thủy quân lục chiến Mỹ đang xem xét phân tán các lực lượng dọc chuỗi đảo thứ nhất- trải dài từ đảo Okinawa của Nhật, Đài Loan và Philippines-theo chiến dịch căn cứ tiên tiến viễn chinh. Chiến dịch này bao gồm việc thiết lập các căn cứ tạm thời cho tên lửa chống hạm, hệ thống phòng không và việc thu thập thông tin tình báo.

Tuy nhiên, chuyên gia Jacob Stokes của chương trình an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc tổ chức nghiên cứu CNAS (Mỹ) cho rằng các lực lượng càng dàn trải thì càng khó được tiếp nhiên liệu và tái trang bị vũ khí. “Đội hình lực lượng càng dàn trải thì có khả năng phục hồi càng nhanh trong trường hợp bị kẻ thù tấn công. Nhưng điều này cũng có nghĩa các lực lượng trong nhiều nơi khác nhau cần sự hỗ trợ hậu cần mà có thể chỉ có sẵn ở vài nơi trong số đó”, ông Stokes nhận định.

Tàu dầu USNS John Ericsson của Mỹ tiếp nhiên liệu cho tàu khu trục USS Michael Murphy ở Biển Đông vào ngày 13.1.2022.

C7f.navy.mil

Ngoài ra, kho tên lửa chính xác ngày càng tăng và lớn của Trung Quốc cũng có thể làm phức tạp vấn đề tiếp tế của Mỹ. Các lực lượng Mỹ sẽ cần tiếp tế vào những lúc họ không cần thiết phải kiểm soát toàn diện trên không và trên biển. Các tên lửa Trung Quốc có thể nhắm vào mạng lưới hậu cần, khiến các chiến dịch quân sự của Mỹ có thể chậm lại.

Trong khi đó, việc gửi lực lượng chi viện từ Bờ Tây của Mỹ đến phía đông bắc châu Á ước tính mất khoảng 3 tuần, nhưng những khả năng tên lửa của Trung Quốc có thể cản trở lực lượng hậu cần Mỹ tiếp cận tiền tuyến. “Với tình hình Mỹ mất thế vượt trội trên biển rõ ràng, nước này cần các đồng minh như Nhật để đẩy mạnh việc hỗ trợ hậu cần trong những tình hình nghiêm trọng và khẩn cấp”, ông Patrick Cronin, dẫn đầu chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện nghiên cứu Hudson ở Washington, nhận định, theo Nikkei Asia.

Đề xuất của Lầu Năm Góc

PDI được thiết lập hồi năm ngoái để cải thiện khả năng sẵn sàng của quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo Nikkei Asia. Chương trình này phân bổ các nguồn quỹ để ứng phó tình trạng Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự ở khu vực. Lầu Năm Góc ước tính PDI sẽ cần 27,1 tỉ USD trong 5 năm, bắt đầu từ tài khóa 2023, từ tháng 10.2022. Lầu Năm Góc đã đề xuất chi 1,02 tỉ USD cho hậu cần trong 5 năm, bắt đầu từ tài khóa 2023.

Cũng theo Nikkei Asia, số đạn dược, nhiên liệu, thực phẩm và nhu yếu phẩm khác có thể được trữ ở những vị trí tiền phương trước khi xung đột bùng nổ sẽ đóng vai trò quan trọng cho khả năng của Mỹ tiếp tế cho các lực lượng. Trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang, các lực lượng Trung Quốc có thể tìm cách ngăn chặn việc tiếp cận quân đội Mỹ vượt xa chuỗi đảo thứ 2, trải dài từ quần đảo Ogasawara của Nhật Bản đến lãnh thổ Guam thuộc Mỹ và đến Papua New Guinea. Những máy bay vận tải và tàu dầu được điều động để tiếp tế cho các lực lượng Mỹ sẽ có thể nằm trong tầm tấn công của Trung Quốc trong một viễn cảnh như thế.

Người dân Okinawa lo đảo lại nằm trên tuyến đầu xung đột

Theo đó, Lầu Năm Góc đề nghị mở rộng các khả năng trữ nhiên liệu cho chiến đấu cơ tại căn cứ của Thủy quân lục chiến Mỹ ở thành phố Iwakuni thuộc tây nam Nhật Bản và mở rộng khả năng trữ nhiên liệu tại Căn cứ không quân Yokota ở Tokyo. “Các bồn lớn sẽ trữ nhiên liệu máy bay cần thiết cho việc duy trì những chiến dịch bất ngờ mà không thể nhận được sự tiếp tế từ tàu dầu”, Lầu Năm Góc nhấn mạnh trong tài liệu mới nói trên. Bước này dường như đoán trước một cuộc khủng hoảng quân sự tiềm tàng ở eo biển Đài Loan hay biển Hoa Đông, theo Nikkei Asia.

Tàu đổ bộ USS Blue Ridge của Mỹ được tàu dầu USNS Walter S. Diehl tiếp nhiên liệu

Hải quân Mỹ

PDI cũng sẽ mở rộng các khả năng phòng thủ tên lửa trên đảo Guam để đối phó những tên lửa đạn đạo Trung Quốc cũng như vũ khí bội siêu thanh và tên lửa hành trình. Guam ngày càng trở thành một trung tâm hậu cần quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngoài vai trò là điểm đến cho các chiến đấu cơ và chiến hạm Mỹ.

Mỹ cũng đang phát triển những tàu hỗ trợ có thể di chuyển một cách linh hoạt với tốc độ cao và có khả năng vận chuyển nhanh chóng vũ khí và quân nhu đến các đảo. Loại tàu này dự kiến được đưa vào sử dụng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo Nikkei Asia.

Mỹ rút bài học từ chiến dịch quân sự của Nga

Khi được hỏi về những bài học từ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine trong chuyến thăm Úc hồi tháng trước, chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ David Berger nhấn mạnh: “Hậu cần! Hậu cần! Hậu cần! Đó là yếu tố thúc đẩy các bạn có thể đi bao xa và đến đâu. Đó không thể là việc cuối cùng bạn có thể lên kế hoạch”. Tình trạng Nga chật vật đảm bảo các lực lượng được tiếp tế là yếu tố chính trong việc nước này rút quân khỏi các vùng ngoại ô thủ đô Kyiv của Ukraine hồi tháng rồi, theo Nikkei Asia. “Nga đã không vượt qua được những thách thức hậu cần và duy trì lực lượng”, một quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định với giới phóng viên hồi cuối tháng trước. Vị quan chức này còn đánh giá rằng “họ (Nga) bị hạn chế không chỉ bởi giao tranh và bởi sự kháng cự của Ukraine, mà còn bởi những vấn đề hậu cần hiện hữu của họ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.