|
Vào giữa tháng 8, tại vùng nông thôn nên thơ của Na Uy, quân đội Mỹ tiến hành bơm thêm nhiều loại vũ khí hiện đại cho kho dự trữ nằm sâu trong những hang động của quốc gia Bắc u. Theo website chính thức Marines.mil, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ là đơn vị chịu trách nhiệm cho sứ mệnh mới, được mở rộng dựa trên chương trình bố trí vũ khí cho thủy quân lục chiến. Giới chức lính thủy đánh bộ Mỹ cho hay Na Uy đã ký kết thỏa thuận này với Lầu Năm Góc vào năm 1981, tức vào thời Chiến tranh lạnh.
Bổ sung vũ khí hiện đại
Vũ khí và xe cơ giới được bảo quản trong các hang động tại miền trung Na Uy, cho phép lính thủy đánh bộ Mỹ dễ dàng huy động vũ khí khi nổ ra chiến sự tại châu u, châu Phi và Trung Đông. Trong một trường hợp gần đây nhất, hầu hết các kho dự trữ đã được điều động gần như toàn bộ và được chuyển đến Trung Đông trước khi Mỹ tiến hành đổ quân vào Iraq hồi tháng 3.2003. Đợt bổ sung thiết bị quân sự tại Na Uy lần này cũng diễn ra trong lúc căng thẳng tại Ukraine vẫn chưa dịu bớt. Cần lưu ý là Na Uy chia sẻ biên giới dài 192 km với Nga. Do vậy, trong khi các đoàn xe gồm 262 chiếc của Nga chuẩn bị tiến vào Ukraine theo kế hoạch thiết lập hành lang nhân đạo của Tổng thống Vladimir Putin, lực lượng thủy quân lục chiến của Mỹ cũng tiến hành lấp đầy các kho dự trữ quan trọng của mình tại miền trung Na Uy.
Các binh sĩ Mỹ và Na Uy ở vùng Trondelag sẽ dỡ hàng từ tàu vận chuyển Dewayne T.Williams, thêm vào tổng cộng khoảng 400 xe cơ giới và 350 container thiết bị. Theo trang Marines.mil, danh sách lần này bao gồm xe tăng chiến đấu M1A1 Abrams, các xe bọc thép tác chiến thủy bộ có thể bơi từ tàu hải quân lên bờ, các xe bọc thép đa dụng Humvee và những loại xe cơ giới khác. Chương trình trên cho phép tăng mạnh khả năng sẵn sàng tác chiến của lực lượng tại các điểm chiến sự then chốt. Trang Checkpoint dẫn nguồn thạo tin cho hay đây cũng là lần đầu tiên các xe bọc thép tấn công và những loại xe cơ giới khác được đưa vào hang động ở Na Uy.
Tàn tích Chiến tranh lạnh
Theo tờ Marine Corps Times, hiện quân đội Mỹ có các cơ sở diện tích tổng cộng khoảng 65.000 m2 tại Na Uy, bao gồm 6 hang động được điều hòa nhiệt độ ở vùng Trondheim và 2 sân bay. Trong đó, căn cứ Trondheim được thiết kế để cung cấp vũ khí và thiết bị cơ giới đủ dùng trong 30 ngày cho đội quân gồm 16.000 lính thủy đánh bộ và thủy thủ. Kho dự trữ Trondheim đã có từ thời Chiến tranh lạnh, khi Na Uy là một trong những quốc gia tiền tuyến trong cuộc đối đầu với Liên Xô. Báo cáo của tổ chức nghiên cứu về chính sách toàn cầu RAND Corporation hồi năm 1991 từng đưa ra nhiều viễn cảnh Liên Xô xâm lược Na Uy, và dựa trên đánh giá của NATO, một lữ đoàn đóng dọc theo khu vực bờ biển địa hình phức tạp của nước này có thể đủ sức cầm chân cả sư đoàn của Liên Xô. Na Uy cho phép Mỹ dự trữ vũ khí trên lãnh thổ để phòng ngừa nguy cơ bị Liên Xô tấn công. Sau 2 thập niên kể từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, nơi này tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ và NATO đối với Nga.
Trả lời phỏng vấn Press TV, Giáo sư Mỹ James Petras nhận định rằng Washington đang áp dụng một chiến lược toàn cầu nhằm bao vây Nga. Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine tiếp tục diễn ra, Trondheim cho phép lực lượng NATO và Mỹ có được lợi thế thời gian khi cần thiết phải chuyển quân gấp, nếu cuộc khủng hoảng hiện tại giữa Nga với phương Tây vượt khỏi tầm kiểm soát.
Dự trữ vũ khí trên biển Ngoài việc bố trí vũ khí trên bộ, quân đội Mỹ còn có chương trình dự trữ vũ khí phản ứng nhanh trên biển, với một đội tàu gồm 36 chiếc chở đầy vũ khí, khí tài được bố trí ở các khu vực chiến lược trên thế giới. Lực lượng lính thủy đánh bộ của Mỹ được cấp 16 tàu và phân thành 3 đội, theo trang Marines.mil. Mỗi đội tàu này chở vũ khí, khí tài và hàng tiếp tế đủ dùng cho một lực lượng viễn chinh gồm 16.000 người của lính thủy đánh bộ trong 30 ngày. Đội tàu này được bố trí tại đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, gần đảo Guam ở tây Thái Bình Dương và tại Địa Trung Hải. Theo giới thiệu của Bộ Tư lệnh hải vận Mỹ, các tàu này sẽ cung cấp cho những chỉ huy Mỹ mọi thứ cần thiết trong mọi lúc, mọi nơi để phản ứng nhanh chóng với một cuộc khủng hoảng. H.G |
Thụy Miên
>> Phe nổi dậy Syria đặt hàng vũ khí Mỹ
>> Xuất khẩu vũ khí Mỹ đạt 60 tỉ USD
>> Tập đoàn vũ khí Mỹ thừa nhận bán công nghệ cho Trung Quốc
Bình luận (0)