|
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân diễn ra tại Hà Lan từ ngày 24-25.3. Phó cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho hay Tổng thống Obama đã bày tỏ quan ngại đối với việc Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông hồi tháng 11.2013. Ông Obama còn nhấn mạnh các bên liên quan cần giảm căng thẳng ở biển Đông, biển Hoa Đông và tìm ra giải pháp cho các vấn đề tranh chấp chủ quyền dựa trên đối thoại và luật pháp quốc tế. Cũng theo ông Rhodes, Tổng thống Obama đã tái khẳng định ủng hộ đối với vấn đề an ninh của hai đồng minh Nhật và Philippines.
Còn theo Tân Hoa xã, trong cuộc gặp ông Tập đã yêu cầu Mỹ có “thái độ khách quan và công bằng” về các vấn đề ở biển Đông và biển Hoa Đông. Tân Hoa xã không nói rõ phản ứng của Tổng thống Obama với phát biểu của ông Tập.
Ngoài ra, hai bên còn bàn về nhiều vấn đề song phương và toàn cầu khác như trao đổi quân sự, an ninh mạng, chống khủng bố, khủng hoảng Ukraine.. Khi thảo luận về an ninh mạng, ông Tập đã chất vấn ông Obama về thông tin Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) xâm nhập hệ thống máy chủ của “đại gia” viễn thông Trung Quốc Huawei. Theo Phó cố vấn an ninh Rhodes, ông Obama khẳng định Washington không tham gia hoạt động gián điệp để đạt lợi thế thương mại và cũng không chia sẻ thông tin với các công ty Mỹ.
Philippines đưa vụ kiện “đường lưỡi bò” ra Tòa án quốc tế Liên quan đến tranh chấp chủ quyền, cựu Bộ trưởng Nội vụ Philippines Rafael Alunan III hôm qua cảnh báo Trung Quốc sẽ có hành động trả đũa sau khi Manila trình tài liệu về vụ kiện “đường lưỡi bò” cho ban trọng tài của Tòa án quốc tế về luật Biển (ITLOS) vào ngày 30.3, theo tờ The Philippine Star. Trước đó, Philippines đã nộp đơn kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc vẽ ra ở biển Đông. Ông Alunan cho biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng cảnh báo giới chức ngoại giao Philippines ở Bắc Kinh rằng họ sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Manila để phản đối vụ kiện. Ngoài ra, theo ông Alunan, Trung Quốc cũng có thể sẽ tìm cách phá hủy hệ thống liên lạc, hệ thống điện và thậm chí tài trợ cho các nhóm nổi dậy ở Philippines. Trung Quốc chưa có phản ứng về thông tin trên. |
Văn Khoa
>> Việt Nam chưa nhận được thông tin Malaysia dừng tìm kiếm máy bay mất tích trên biển Đông
>> Vật thể trên biển Đông do vệ tinh Trung Quốc chụp không phải của máy bay mất tích
>> Trung Quốc liên tục đuổi tàu ở biển Đông
>> Trung Quốc, ASEAN sắp họp về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông
>> Trung Quốc lại ngang ngược bắt giữ tàu cá trên biển Đông
>> Indonesia tăng cường hiện diện ở biển Đông
Bình luận (0)