Mỹ - Trung đối thoại hay đối đầu ở Shangri-La ?

Hoàng Đình
(thực hiện)
30/05/2024 06:00 GMT+7

Dự kiến, tại sự kiện Đối thoại Shangri-La diễn ra tại Singapore từ ngày 31.5 - 2.6, cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân sẽ trở thành tâm điểm chú ý.

Tại Đối thoại Shangri-La diễn ra cùng thời điểm này năm ngoái, Washington đã đề nghị một cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Austin với người đồng cấp phía Trung Quốc khi đó là ông Lý Thượng Phúc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã từ chối đề xuất của Washington.

Mỹ - Trung đối thoại hay đối đầu ở Shangri-La ?- Ảnh 1.

Bộ trưởng Austin và người đồng cấp Đổng Quân

Reuters

Từ đó đến nay, hai bên tiếp tục có nhiều cuộc gặp cấp cao và cả thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hồi cuối năm ngoái. Tuy nhiên, hai bên vẫn tồn tại không ít bất đồng sâu sắc liên quan các vấn đề: Biển Đông, eo biển Đài Loan, xung đột Ukraine… cũng như xung đột thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra căng thẳng.

Chính vì thế, hội đàm bên lề Đối thoại Shangri-La lần này giữa ông Austin và ông Đổng gây nhiều chú ý. Nhân dịp này, trả lời Thanh Niên, một số chuyên gia quốc tế đã đưa ra nhận định về cuộc gặp.

Cơ hội giảm căng thẳng

Cả hai bên có lẽ đều tìm cách giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Austin có thể sẽ nhắc lại tầm quan trọng của sự kiềm chế của Bắc Kinh đối với Đài Bắc và ông cũng sẽ nhắc lại lợi ích của Mỹ đối với hòa bình và ổn định trên khắp eo biển Đài Loan.

Mỹ - Trung đối thoại hay đối đầu ở Shangri-La ?- Ảnh 2.

Ông Austin có thể sẽ lên tiếng thúc ép người đồng cấp Đổng Quân về việc Trung Quốc ngừng hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Mặc dù khó có thể đạt được bất kỳ tiến triển nào trong các vấn đề Đài Loan cũng như xung đột Ukraine, nhưng cuộc hội đàm có thể giúp giảm bớt căng thẳng và có thể mở ra con đường cho các cuộc trao đổi và đối thoại trong tương lai.

TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Tổ chức RAND, Mỹ)

Chỉ trích lẫn nhau, Biển Đông có thể là nội dung

Trung Quốc sẽ chỉ trích Mỹ khiêu khích khi thúc đẩy các đồng minh thách thức các động thái của Bắc Kinh trong khu vực. Ngược lại, phía Mỹ sẽ nhấn mạnh tính chất phòng thủ của các hành động ngoại giao quân sự của mình.

Mỹ - Trung đối thoại hay đối đầu ở Shangri-La ?- Ảnh 3.

Trong cuộc hội đàm, Bộ trưởng Austin có thể sẽ đề cập việc Trung Quốc sử dụng chiến thuật vùng xám ở Biển Đông, tố cáo Trung Quốc tìm cách ngăn chặn các hoạt động tiếp tế của hải quân Philippines ở Biển Đông. Tất nhiên, Trung Quốc sẽ mượn danh nghĩa bảo vệ chủ quyền để biện hộ cho các hành động vừa nêu.

Việc bên nào hành động dựa trên luật pháp quốc tế cũng là chủ đề 2 bên có thể tranh luận. Trong đó, Trung Quốc chỉ trích Mỹ không tham gia Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Ngược lại, phía Mỹ chỉ trích Trung Quốc không tuân thủ UNCLOS 1982 dù Bắc Kinh đã tham gia.

Trong khi Mỹ chưa thể phê chuẩn UNCLOS do thiếu sự ủng hộ của Quốc hội nước này, hải quân Mỹ đã thiết kế các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) theo các quy tắc do hiệp ước đặt ra. Việc các đồng minh của Mỹ như Úc và Nhật Bản, các đối tác của NATO như Canada, Anh và Pháp phối hợp sẽ tăng thêm sức nặng cho lập trường của Mỹ.

Cũng là bên tranh chấp, nhưng các quốc gia ven biển Đông Nam Á được lợi nhiều hơn khi ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) năm 2016 khi bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản)

Kịch bản không bất ngờ

Tôi nghĩ sẽ không có gì bất ngờ từ cuộc hội đàm. Cả hai bên sẽ mô tả đây là một cuộc trao đổi quan điểm hữu ích và thẳng thắn. Họ sẽ bày tỏ mong muốn được "liên lạc sâu hơn".

Mỹ - Trung đối thoại hay đối đầu ở Shangri-La ?- Ảnh 4.

Bộ trưởng Austin sẽ đưa ra một số nhận xét nhẹ nhàng về các hoạt động đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan và Philippines. Ông ấy cũng có thể đề cập đến sự phản đối của chúng tôi đối với việc Trung Quốc hỗ trợ người Nga ở Ukraine và thậm chí có thể yêu cầu giúp đỡ trong vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, ông ấy sẽ không nhấn mạnh các vấn đề vừa nêu mà chỉ đề cập những vấn đề đó như mối quan ngại của Mỹ.

Người đồng cấp Đổng Quân sẽ mạnh mẽ nêu lên sự phản đối của Bắc Kinh đối với chuyến thăm của đoàn nghị sĩ Mỹ tới Đài Bắc vừa qua, cũng như việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Đại diện Bắc Kinh cũng sẽ phủ nhận việc Trung Quốc đang giúp đỡ Nga, đồng thời cảnh báo Washington "không nên thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại Triều Tiên". Ông sẽ yêu cầu Mỹ thúc đẩy ngừng bắn ở Trung Đông. Nhưng có lẽ Bộ trưởng Austin sẽ không đồng ý với bất kỳ điều gì trong số đó.

Cuối cùng, họ cùng bắt tay chụp hình chung và đưa ra tuyên bố báo chí cho biết đó là cuộc trao đổi quan điểm hữu ích và thẳng thắn.

Ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii Thái Bình Dương về quan hệ quốc tế, lịch sử)

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc "vô căn cứ" của Anh về viện trợ sát thương cho Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.