Mỹ - Trung đối thoại về Đài Loan

25/09/2022 06:06 GMT+7

Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang gửi đi “những tín hiệu vô cùng sai trái và rất nguy hiểm” cho Đài Loan, trong bối cảnh Washington đang tìm cách hỗ trợ đồng minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương .

Hôm 23.9 (giờ New York), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hãy hành động vì “hòa bình và ổn định” quanh eo biển Đài Loan. Về phần mình, ông Vương cáo buộc Mỹ đang gửi đi “những tín hiệu vô cùng sai trái và rất nguy hiểm” cho Đài Loan.

Cuộc đối thoại thẳng thắn

Trao đổi với báo giới, một quan chức cấp cao của chính quyền Washington xác nhận Đài Loan là chủ đề trọng tâm cho cuộc đối thoại trực tiếp song phương. Đây là cuộc gặp kéo dài 90 phút giữa ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc bên lề Đại hội đồng LHQ ở TP.New York (bang New York, Mỹ).

“Về phần mình, ngoại trưởng (Blinken) nói rõ ràng, dựa trên quan điểm lâu nay của Mỹ về chính sách “Một Trung Quốc”, và một lần nữa không có gì thay đổi, việc duy trì hòa bình và ổn định dọc theo eo biển Đài Loan là điều cực kỳ quan trọng”, Reuters dẫn lời quan chức Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau ngày 23.9

Reuters

Trong thông cáo liên quan cuộc gặp, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Washington đang gửi đi “những tín hiệu vô cùng sai trái và rất nguy hiểm” cho Đài Bắc. Và Đài Bắc càng có những hành động để đòi độc lập thì khả năng có được giải pháp hòa bình càng ít đi. “Đài Loan là vấn đề nội bộ Trung Quốc, và Mỹ không có quyền can thiệp về cách thức (mà Trung Quốc) sử dụng để giải quyết vấn đề đó”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời Ngoại trưởng Vương nói tại cuộc gặp.

Về cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc ngày 23.9, phía Đài Loan cho biết chính “những hành vi khiêu khích gần đây” đã buộc hai bên phải đối thoại về tình hình eo biển Đài Loan.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay cuộc gặp giữa ông Blinken và ông Vương là một phần nỗ lực của Mỹ nhằm “duy trì các kênh liên lạc và tìm kiếm kiểm soát cuộc tranh chấp”. Cuộc gặp Mỹ - Trung Quốc diễn ra trước cuộc gặp ngoại trưởng “Bộ Tứ” gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Nhóm “Bộ Tứ” ra tuyên bố chung nhấn mạnh “chúng tôi cực lực phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng hoặc gia tăng căng thẳng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Tổng thống Biden: Mỹ sẽ đưa quân "bảo vệ" nếu Đài Loan bị tấn công

Đóng tàu ngầm hạt nhân Úc ở Mỹ

Trong một diễn biến liên quan tình hình khu vực, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thảo luận với Úc về việc đóng những tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của nước này tại Mỹ, theo tờ The Wall Street Journal ngày 24.9 dẫn lời các quan chức phương Tây. Ý tưởng trên nhằm cung cấp một vài tàu ngầm ban đầu cho hạm đội Úc vào giữa thập niên 2030. Úc vài năm gần đây đang gia tăng ngân sách quốc phòng trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh sự hiện diện tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Sau bản tin trên, Reuters dẫn tuyên bố chung của các lãnh đạo Mỹ, Anh, Úc (thuộc AUKUS) khẳng định các bên đã đạt được “tiến triển ấn tượng” cho mục tiêu hỗ trợ Úc sở hữu tàu ngầm hạt nhân. Các nhà lãnh đạo (gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Liz Truss và Thủ tướng Úc Anthony Albanese) cũng khẳng định họ cũng đạt được những bước tiến trong các lĩnh vực quan trọng khác. Trong số này có thể kể đến nỗ lực phát triển vũ khí bội siêu thanh, cải tiến năng lực chiến tranh mạng, chiến tranh điện tử và bổ sung năng lực duy trì an ninh trong lòng biển.

Philippines muốn bàn tiếp hợp tác dầu khí với Trung Quốc

Trung Quốc mở rộng căn cứ tàu ngầm gần Biển Đông

Hôm qua, Hãng Bloomberg dẫn lời Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr cho biết chính quyền Manila muốn nối lại hoạt động đàm phán với chính quyền Bắc Kinh về khả năng hợp tác khai thác dầu khí chung ở Biển Đông. Trước đó, người tiền nhiệm của ông Marcos là Rodrigo Duterte hồi tháng 6 đã chấm dứt cuộc đàm phán kéo dài 3 năm với Trung Quốc về vấn đề này. Khi ấy, nội dung các cuộc đàm phán đã đạt đến giới hạn của hiến pháp Philippines. Với khả năng mở lại vòng đàm phán mới, ông Marcos thừa nhận muốn tìm kiếm sự thỏa hiệp với Trung Quốc, nhưng tất nhiên phải nằm trong phạm vi luật pháp nước này cho phép.

* Theo tờ South China Morning Post đưa tin ngày 24.9, ảnh chụp từ vệ tinh Sentinel-2A cho thấy hai cầu cảng mới, chiều dài khoảng 240 m, đang trong quá trình thi công tại căn cứ hải quân Du Lâm trên bờ đông của đảo Hải Nam. Du Lâm là một trong những căn cứ chính của quân đội Trung Quốc (PLA) và là căn cứ nhà của hạm đội tàu ngầm nước này. Dựa trên những hình ảnh chụp vệ tinh trước đó, hoạt động xây cất được tiến hành từ tháng 3, khởi đầu bằng việc bồi đắp đất. Đến cuối tháng 7, hai cầu tàu mới phần lớn đã hình thành, với một cầu tàu ở phía bắc và cầu tàu còn lại ở phía nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.