Nikkei dẫn báo cáo của Văn phòng Sáng chế Nhật Bản cho biết, cả Mỹ và Trung Quốc đều chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số 1.106 đơn đăng ký bằng sáng chế được nộp từ năm 2012 đến năm 2018. Trung Quốc đã nộp 444 đơn đăng ký, nhiều hơn một chút so với 399 đơn của Mỹ. Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ vào năm 2017, và riêng trong năm tiếp theo đó có số hồ sơ đăng ký nhiều gấp đôi Mỹ.
Mẫu ô tô bay của Aeronext được giới thiệu tại triển lãm điện tử CES 2020 ở Las Vegas |
Aeronext |
Các công ty Mỹ chiếm 11 vị trí trong số 15 đơn vị nộp đơn đăng ký hàng đầu. Danh sách bao gồm Amazon Technologies và Wing Aviation, một công ty con của Alphabet. Nhà sản xuất máy bay Bell Helicopter Textron và Boeing cũng lọt vào danh sách này. Công ty Trung Quốc Foshan Shenfeng Aviation Technology giữ vị trí đầu tiên về số đơn xin cấp bằng sáng chế. SZ DJI Technology, chi nhánh của hãng sản xuất máy bay không người lái (drone) DJI của Trung Quốc, đứng ở vị trí thứ tư. Nhật Bản có duy nhất đại diện lọt vào top 10 là công ty khởi nghiệp Aeronext đặt trụ sở tại Tokyo.
Hiện chưa có định nghĩa rõ ràng về những gì được xem là một chiếc ô tô bay, nhưng một cỗ máy điển hình là một chiếc máy bay điện nhỏ gọn có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL). Thí điểm tự động cũng là một phần của quá trình. Từng được coi chỉ là tính năng trong tiểu thuyết và phim khoa học viễn tưởng, nhưng giờ đây ô tô bay gần trở thành hiện thực thương mại, với các ứng dụng như dịch vụ taxi hay giao hàng tận nhà được dự đoán sẽ sớm gây chú ý trong tương lai gần.
Nhiều bằng sáng chế được nộp tập trung vào pin có thể sạc lại được. Foshan Shenfeng Aviation Technology và DJI lần lượt xếp thứ nhất và thứ ba trong mảng này. Amazon Technologies đứng thứ hai về hồ sơ liên quan đến pin có thể sạc lại, nhưng đứng thứ nhất về pin nhiên liệu, máy phát điện và các công nghệ khác.
Về kiểu dáng, nhiều hồ sơ tập trung vào loại ô tô bay đa năng, được chế tạo nhiều hơn hai cánh quạt tạo lực nâng và thường giống với drone hiện đại thay vì các mẫu cánh cố định. Hơn 100 chiếc đã được nộp hồ sơ sáng chế chỉ trong một năm kể từ năm 2016.
Về VTOL, châu Âu là nơi đóng góp lớn cho nghiên cứu và phát triển. Trong số 404 bài báo tiếng Anh được xuất bản cho mảng này trong giai đoạn 2012 - 2021, có 152 được viết bởi nhà nghiên cứu tại các công ty và tổ chức châu Âu. Số lượng lớn nhất đến từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Cranfield ở Vương quốc Anh. Tiếp theo là Mỹ với 94 bài, sau đó là Trung Quốc với 42 bài. Hàn Quốc và Úc lần lượt chiếm 20 và 15. Nhà nghiên cứu tại các công ty và tổ chức Nhật Bản chỉ viết 6 bài báo, báo hiệu khả năng nước này có thể bị tụt hậu.
Bình luận (0)