Mỹ - Trung trong 'cuộc chiến giáo nhọn - khiên dày' trên biển

03/02/2024 06:00 GMT+7

Trong khi Mỹ thể hiện sức mạnh quân sự răn đe với lực lượng tàu chiến hùng hậu thì Trung Quốc đẩy mạnh nguồn lực tên lửa đối hạm giữa bối cảnh 2 bên quyết liệt cạnh tranh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngày 1.2, tờ Nikkei Asia đưa tin Mỹ vừa triển khai tổng cộng 3 tàu sân bay đến vùng tây Thái Bình Dương.

Mỹ - Trung trong 'cuộc chiến giáo nhọn - khiên dày' trên biển- Ảnh 1.

Hai tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson và USS Theodore Roosevelt cùng một số tàu chiến Mỹ tập trận cùng tàu JS Ise (giữa) ngày 31.1

Hải quân Mỹ

Washington tăng cường lực lượng

Cụ thể, tuần qua, hải quân Mỹ đã cho phép một số nhà báo lên tàu sân bay USS Carl Vinson để theo dõi cuộc tập trận chung của chiến hạm này với tàu khu trục trực thăng JS Ise của Nhật Bản ở vùng biển gần Philippines. Tham gia cuộc tập trận còn có tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ.

Như vậy, cùng với tàu sân bay USS Ronald Reagan đang đồn trú tại Nhật Bản, Mỹ đã điều tổng cộng 3, trong số 11 tàu sân bay của nước này, đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Không những vậy, giữa lúc vùng Trung Đông có nhiều bất ổn như hiện nay, Mỹ vẫn rút bớt tàu sân bay USS Gerald R. Ford nên hiện chỉ còn triển khai duy nhất tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower tại khu vực này.

Vì thế, việc Mỹ đang duy trì đến 3 tàu sân bay ở Indo-Pacific được đánh giá là một động thái răn đe rõ ràng nhằm vào Trung Quốc. Tờ Nikkei Asia dẫn lời nghị sĩ Rob Wittman, Phó chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, thừa nhận đó là một sự răn đe của Washington đối với Bắc Kinh để phòng ngừa những động thái quân sự quá mức nhằm vào Đài Loan.

Chiến lược của Bắc Kinh

Trong khi đó, thời gian qua, Trung Quốc tăng cường theo đuổi chiến lược phong tỏa chống tiếp cận (A2/AD) nhằm đẩy lùi sức mạnh quân sự Mỹ ra khỏi khu vực tây Thái Bình Dương.

Cuối tháng 1, tờ South China Morning Post đưa tin quân đội Trung Quốc (PLA) vừa tiến hành nghiên cứu mô phỏng trên máy tính về việc sử dụng tên lửa hành trình bội thanh (nhanh gấp 5 - 10 lần tốc độ âm thanh) tầm bắn hơn 1.000 km kết hợp cùng hệ thống vũ khí không gian để tấn công tàu chiến Mỹ. Loại tên lửa này sẽ bay lên độ cao 200 km để hạn chế bị phát hiện rồi từ trên tấn công xuống, kết hợp cùng một số kỹ thuật gây nhiễu để tàu chiến Mỹ khó phán đoán.

Đây được xem là bước tiến mới của Trung Quốc sau khi đã phát triển nhiều loại tên lửa đạn đạo đối hạm như Đông Phong 16 (DF-16), Đông Phong 21 (DF-21)…

Đánh giá về cuộc thử nghiệm trên khi trả lời Thanh Niên ngày 2.2, cựu đại tá Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, đang giảng dạy ở Đại học Hawaii Thái Bình Dương) cho rằng đó chính là mục tiêu mà PLA muốn đạt được về khả năng tác chiến trong 10 - 15 năm nữa.

Cũng trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: "Trung Quốc đang phát triển tên lửa đối hạm để khiến các tàu chiến Mỹ phải rời xa khu vực eo biển Đài Loan nhằm hạn chế rủi ro. Qua đó, Bắc Kinh có thể tăng cường sức ép quân sự ở eo biển này".

"Tuy nhiên, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ có hệ thống phòng thủ tên lửa. Và tên lửa truyền thống của Trung Quốc không thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ này. Vì vậy, Trung Quốc đang phát triển vũ khí siêu thanh", TS Nagao đánh giá.

Ông phân tích thêm: "Tốc độ siêu thanh có nghĩa là rất khó để dẫn đường bắn trúng mục tiêu. Trong đó, với tên lửa tầm xa, nhóm chỉ huy và kiểm soát ở xa mục tiêu và mất nhiều thời gian hơn để liên lạc với tên lửa sau khi phóng tên lửa. Vì vậy, Trung Quốc đang tập trung vào các vệ tinh không gian cho phép dẫn đường tên lửa dễ dàng hơn".

Theo TS Nagao, những diễn biến này cho thấy các cuộc chạy đua tên lửa phụ thuộc vào tài sản không gian. "Cả Mỹ và Trung Quốc đều cạnh tranh phát triển vũ khí không gian nhằm tiêu diệt các vệ tinh không gian có thể dẫn đường cho tên lửa. Không gian hiện là một khu vực quan trọng", vị chuyên gia nhận định.

Trung Quốc ra sức mô phỏng chiến tranh với Mỹ bao gồm các kịch bản chiến tranh không gian và tên lửa siêu thanh. Những điều này trở nên phổ biến hơn khi công nghệ đi đầu trong cuộc cạnh tranh giữa hai nước. Cả hai đều coi hệ thống tên lửa siêu thanh, không gian, AI và điện toán lượng tử là những công nghệ chủ chốt để đánh bại và ngăn chặn lẫn nhau. Các cuộc tập trận của Trung Quốc chắc chắn sẽ tạo ra mối lo ngại ở Mỹ, nhưng cũng sẽ khiến Mỹ phải tìm cách giải quyết để giảm thiểu rủi ro và khả năng xảy ra xung đột.

GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.