Mỹ trượt khỏi top 10 nước đổi mới nhất thế giới

24/01/2018 19:07 GMT+7

Lần đầu tiên trong sáu năm qua Mỹ đã không có tên trong danh sách top 10 các nước đổi mới nhất thế giới theo xếp hạng của Bloomberg Innovation Index 2018.

Nước đứng đầu danh sách này năm nay là Hàn Quốc. Thụy Điển vẫn giữ vị trí thứ hai như kết quả năm ngoái. Trong khi đó, Singapore đã vượt qua các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu như Đức, Thụy Sĩ và Phần Lan để đạt được vị trí thứ ba.
“Singapore luôn chú trọng vào việc giáo dục người dân của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Singapore cũng có một cam kết kiên định trong việc tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và hoạt động đổi mới”, Yeo Kiat Seng, giáo sư của Trường đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore và cũng là người đã sở hữu 38 bằng sáng chế, cho hay.
Trong bảng kết quả xếp hạng năm nay có một điều đáng chú ý là Mỹ đã rơi xuống vị trí thứ 11 từ vị trí thứ 9 trong năm 2017. Nguyên nhân là do sự sụt giảm điểm số trong hạng mục đánh giá về số sinh viên mới tốt nghiệp ngành khoa học và kỹ thuật tham gia trong lực lượng lao động. Giá trị gia tăng sản xuất cũng giảm nên dù điểm số trong phần năng suất cao cũng không thể bù cho những phần khác.
“Tôi không thấy có bằng chứng nào cho thấy xu hướng này sẽ dừng lại. Các quốc gia khác đã có bước tiến mạnh mẽ bằng các chính sách đổi mới thông minh, chính phủ cũng tăng cường tài trợ cho các hoạt động R&D, các sáng kiến thương mại hóa công nghệ”, Robert D. Atkinson, Chủ tịch Tổ chức Công nghệ Thông tin và Đổi mới ở Washington D.C, nói.
Theo Bloomberg, đây là năm thứ năm liên tiếp Hàn Quốc dẫn đầu danh sách đổi mới toàn cầu. Trung Quốc tăng hai bậc lên vị trí thứ 19 nhờ tỷ lệ cao sinh viên mới tốt nghiệp trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật tham gia vào lực lượng lao động và số lượng sáng chế của các công ty mới như Huawei Technologies. Nhật Bản cũng đã tăng một hạng lên vị trí thứ sáu trong danh sách xếp hạng năm nay.
Pháp từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ chín để cùng tham gia vào top 10 cùng năm nước châu Âu khác, bao gồm Thụy Điển, Đức, Thụy Sĩ, Phần Lan và Đan Mạch. Israel là nước Trung Đông duy nhất nằm trong top 10. Thổ Nhĩ Kỳ tuy không được xếp hàng đầu nhưng lại được đánh giá cao khi đã nhảy bốn bậc lên vị trí 33.
Bloomberg Innovation Index được đánh giá dựa trên bảy yếu tố bao gồm cường độ nghiên cứu và phát triển (R&D), giá trị gia tăng sản xuất, năng suất, mật độ công nghệ cao, sự tập trung các nhà nghiên cứu, hoạt động bằng sáng chế và hiệu quả sinh viên đại học trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật tham gia trong lực lượng lao động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.