Trong chiến lược hàng hải mới của Mỹ cho thập niên tới, Hải quân, Thủy quân lục chiến và Lực lượng Tuần duyên đã cùng cam kết xây dựng “sức mạnh hải quân tích hợp”, đồng thời kêu gọi tăng cường phát triển những liên minh hàng hải, theo tờ South China Morning Post.
Văn bản chiến lược “Lợi thế trên Biển” được công bố hồi tháng rồi xác định mục tiêu của hải quân Mỹ là “đảm bảo tự do hàng hải, ngăn chặn hành động gây hấn và giành chiến thắng trong các cuộc chiến”.
“Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lâu dài và cấp bách nhất. Hành vi và tốc độ phát triển quân sự của Trung Quốc đi vào một quỹ đạo buộc Mỹ phải hành động”, theo văn bản.
Tiến sĩ Swee Lean Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận xét: “Chiến lược hàng hải mới cơ bản là nhằm tăng cường năng lực phối hợp đã có sẵn từ trước, đồng thời đóng vai trò như một chỉ dẫn về cách các lực lượng hàng hải Mỹ phối hợp với nhau, tập hợp sức mạnh để chống lại hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Kế hoạch tích hợp 3 lực lượng được tung ra vào thời điểm Trung Quốc-Mỹ đang tăng cường các hoạt động trong cái được gọi là chiến thuật “vùng xám”, tức đẩy mạnh hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến tranh.
Hiện không có nhiều thông tin được công bố về vai trò chính xác của lực lượng Tuần duyên Mỹ ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Tuần duyên Mỹ gần đây thể hiện lập trường ngày càng cứng rắn đối với Trung Quốc, tiến hành các cuộc diễn tập riêng ở Biển Đông và phối hợp với hải quân Mỹ trong hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan.
Báo cáo của Tuần duyên Mỹ công bố hồi tháng 9.2020 cũng đã thể hiện rõ kế hoạch của lực lượng này trong việc tăng cường hoạt động chống lại đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc, ước tính có gần 17.000 tàu. Trong số đó, hơn 12.000 tàu cá Trung Quốc hoạt động trong các vùng biển không thuộc Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, các đội tàu hải cảnh và dân quân biển đóng vai trò chủ đạo trong chiến thuật “vùng xám”, tăng cường hành động hung hăng để xua đuổi ngư dân của các nước láng giềng khỏi ngư trường truyền thống và gây cản trở hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông.
Bình luận (0)