Mỹ vẫn không tin Nga muốn tấn công hạt nhân sau những diễn biến mới

Khánh An
Khánh An
28/11/2024 10:50 GMT+7

Giới thạo tin tiết lộ rằng giới tình báo Mỹ không tin Nga sẽ tấn công hạt nhân, sau khi Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và Moscow phản ứng với việc dùng tên lửa đạn đạo mới trong chiến sự.

Hãng Reuters ngày 28.11 dẫn lời giới thạo tin tình báo Mỹ cho rằng nước này quyết định để Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga không làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân, dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra những tuyên bố gay gắt.

Theo đó, một loạt các đánh giá tình báo trong 7 tháng qua đã kết luận rằng leo thang hạt nhân khó có thể xảy ra do quyết định nới lỏng các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ.

Mỹ không tin Nga sẽ tấn công hạt nhân, sếp tình báo Đức lo Nga đánh NATO

Quan điểm đó không thay đổi sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thay đổi lập trường của Mỹ về vũ khí trong tháng này, theo 5 quan chức Mỹ ẩn danh.

Tuần trước, Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo mới trong động thái được các nhà phân tích cho rằng là lời cảnh báo gửi tới Washington và các đồng minh châu Âu. Dù vậy, giới tình báo Mỹ vẫn không thay đổi nhận định trên.

Mỹ vẫn không tin Nga muốn tấn công hạt nhân sau những diễn biến mới- Ảnh 1.

Hình ảnh được cho là vị trí của tên lửa hạt nhân Nga ở vùng Vologda

ẢNH: REUTERS

Theo họ, Nga vẫn cố gắng thể hiện tương xứng với điều mà Moscow cho là động thái leo thang của Mỹ, và việc sử dụng tên lửa mới nằm trong nỗ lực đó.

Các quan chức Mỹ cho biết thông tin tình báo đã giúp định hướng cho cuộc tranh luận thường gây chia rẽ trong những tháng gần tại Nhà Trắng về việc liệu việc Washington nới lỏng các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ có đáng để mạo hiểm hay không.

Nhà Trắng, Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ từ chối đề nghị đưa ra bình luận về thông tin trên. Điện Kremlin chưa lập tức phản hồi đề nghị đưa ra bình luận.

Trong một diễn biến khác, ông Bruno Kahl, giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài Đức, cho rằng những hành động phá hoại của Nga nhằm vào các mục tiêu phương Tây có thể dần khiến NATO cân nhắc kích hoạt điều khoản về phòng vệ chung của liên minh.

Ông dự báo Nga sẽ còn đẩy mạnh các hành động tương tự.

"Việc Nga sử dụng rộng rãi các biện pháp hỗn hợp làm tăng nguy cơ NATO cuối cùng sẽ cân nhắc viện dẫn điều khoản phòng thủ chung theo Điều 5. Trong khi đó, việc Nga tăng cường tiềm lực quân sự có nghĩa là một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với NATO trở thành một lựa chọn khả thi đối với Điện Kremlin", ông nhận định.

Ukraine nghiên cứu tên lửa mới của Nga

Theo Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, nếu một thành viên NATO bị tấn công, các thành viên khác của liên minh có nghĩa vụ phải giúp thành viên đó phản ứng.

NATO và các cơ quan tình báo phương Tây đã cảnh báo rằng Nga đứng sau ngày càng nhiều hoạt động thù địch trên khắp khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, từ các cuộc tấn công mạng liên tiếp cho đến các vụ đốt phá. Nga phủ nhận mọi cáo buộc đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.