"Tôi có thể xác nhận các tàu quân sự Mỹ, bao gồm tàu vận tải viễn chinh USNS Benavidez, bắt tay vào các công đoạn đầu tiên xây cầu tàu và đường đắp tạm thời trên biển", Reuters hôm qua dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc thiếu tướng Patrick Ryder.
Trong quá trình cầu tàu được xây, có quan ngại cho rằng quân Mỹ có thể đối mặt nguy cơ bị mắc kẹt giữa hai làn đạn, nhất là sau khi một địa điểm trên bờ, nơi sẽ nối liền với cầu tàu từ biển, trúng pháo kích hôm 25.4. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho quân Mỹ không đặt chân lên bờ biển Gaza. Và người phát ngôn Ryder bổ sung có khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ hỗ trợ nỗ lực xây cầu, bao gồm các đơn vị ở CH Síp và Israel. Israel cũng thông báo điều các lực lượng hải quân, không quân, bộ binh cung cấp bảo vệ và hỗ trợ hậu cần cho phía Mỹ.
Thảm kịch Gaza: Sống sót sau trận bom, lại chết vì dù hàng cứu trợ
Tổng thống Biden công bố quyết định xây cầu tàu hồi tháng 3, trong bối cảnh chiến dịch quân sự kéo dài hơn 6 tháng qua của Israel đang đẩy miền bắc Gaza đến ngưỡng nạn đói. Ban đầu, cầu tàu có thể chịu tải đến 90 xe/ngày, nhưng con số trên có thể tăng đến 150 xe tải vào thời điểm hoàn tất. LHQ trong tuần này cho biết trung bình mỗi ngày số xe tải tiến vào Gaza trong tháng 4 khoảng 200.
Tuy nhiên, một quan chức chính quyền Washington giấu tên tiết lộ các chuyến hàng viện trợ nhân đạo được tiếp nhận theo ngõ cầu tàu vẫn phải đi qua các chốt kiểm soát trên bộ của Israel. Việc hàng hóa tiếp tục bị kiểm tra một lần nữa trên bộ có thể dẫn đến sự trì hoãn trước khi đến tay người dân Gaza.
Ở miền nam Gaza, Israel tiếp tục đẩy mạnh không kích Rafah trong đêm 25.4, rạng sáng 26.4, sau khi thông báo sơ tán dân thường khỏi thành phố miền nam. "Chúng tôi lo ngại về chuyện sẽ xảy ra ở Rafah. Mức độ cảnh báo đang rất cao", Reuters dẫn lời Đại sứ Palestine Ibrahim Khraishi tại LHQ.
Phát ngôn viên David Mencer của chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết nội các chiến tranh Israel đã họp kín để đề ra phương án phá hủy các đơn vị cuối cùng của Hamas ở Rafah và những nơi khác.
Trong khi đó, AFP dẫn lời ông Ghazi Hamad, thành viên cơ quan chính trị Hamas ở Qatar, cho rằng "hành động của Israel không nghi ngờ sẽ đe dọa cuộc đàm phán vì rõ ràng họ muốn tiếp tục cuộc xung đột và chẳng có ý định thương thuyết để đạt đến thỏa thuận".
Công dân Mỹ chết khi bị binh sĩ Israel bắt, vợ mòn mỏi trông chờ công lý
Hôm qua, phái đoàn Ai Cập đã đến Israel để khởi động vòng đàm phán mới về nỗ lực ngừng bắn và trả tự do cho con tin, theo AFP.
Trong một diễn biến liên quan, bà Hala Rharrit, người phát ngôn tiếng Ả Rập của Bộ Ngoại giao Mỹ, sau 18 năm làm việc đã từ chức để phản đối chính sách của Washington về Gaza. Đây là quan chức thứ ba của Bộ Ngoại giao Mỹ từ chức với lý do tương tự, theo Reuters.
Bình luận (0)