Theo chuyên san The Diplomat (Nhật Bản) ngày 8.12, thượng nghị sĩ Marco Rubio vào ngày 6.12 đã trình dự thảo “Luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông” lên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Dự luật có đoạn: “Trung Quốc không được phép tiếp tục theo đuổi những tuyên bố chủ quyền phi pháp và tiến hành quân sự hóa khu vực tối quan trọng đối với an ninh toàn cầu”.
“Những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp và đe dọa đến an ninh khu vực cũng như nền thương mại Mỹ... An ninh cho các đồng minh của Mỹ trong khu vực và lợi ích kinh tế riêng của chúng ta không thể bị đe dọa bởi việc Trung Quốc có những hành động vi phạm luật pháp quốc tế để giành thế thống trị ở Biển Đông và biển Hoa Đông”, ông Rubio lưu ý.
|
Nội dung dự luật đề xuất áp đặt lệnh trừng phạt đối với các cá nhân, tổ chức Trung Quốc tham gia vào các hoạt động phi pháp của nước này tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản, cấm đi lại và không cấp thị thực.
Tạp chí Foreign Policy cho biết suy rộng ra dự luật này sẽ trừng phạt cả các tổ chức, cá nhân Trung Quốc như lực lượng hải cảnh, hải quân, công ty xây dựng tham gia vào các hoạt động xây dựng phi pháp ở Biển Đông, và cả lực lượng tàu ngư dân (dân quân biển?) tuần tra không chính thức ở những vùng biển xa.
tin liên quan
Truyền thông Trung Quốc cảnh báo ông Trump 'chớ động đến Trung Quốc'Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump là một “tân binh ngoại giao” phải học cách không nên động đến Trung Quốc về những vấn đề như thương mại và Đài Loan, truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo vào ngày 6.12.
Dự luật của ông Rubio còn đề xuất siết chặt và tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt trong trường hợp Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông hay tiếp tục các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Theo dự luật này, Mỹ sẽ cắt giảm viện trợ cho bất kỳ quốc gia nào đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Một số chuyên gia Mỹ hoan nghênh dự luật này, gọi đây là biện pháp của Mỹ nhằm “dằn mặt” và kiềm chế Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Trả lời phỏng vấn tạp chí Foreign Policy, chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS, Mỹ) nhận định dự luật này cho thấy “Mỹ có sẵn nhiều công cụ để kiềm chế chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông”.
|
Trong khi đó, một số chuyên gia khác cảnh báo dự luật này nếu được thông qua có thể hủy hoại quan hệ song phương Mỹ - Trung Quốc, thậm chí đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Dự luật này nếu được thông qua sẽ là một bước chuyển biến mới trong chính sách của chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.1.2017. Mới đây ông Trump đã chính thức lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về sự bành trướng quân sự ở Biển Đông.
tin liên quan
Ông Trump chỉ trích Trung Quốc bành trướng quân sự ở Biển ĐôngTổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump ngày 4.12 đã lên Twitter chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ và bành trướng quân sự ở Biển Đông.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Mỹ đã điều các tàu chiến cùng máy bay quân sự tiến hành các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Những chiến dịch này được giới chuyên gia đánh giá là nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bình luận (0)