Mỹ xét lại lằn ranh đỏ tại Ukraine

31/05/2024 05:30 GMT+7

Những bước tiến của Nga tại Ukraine gần đây đang thúc đẩy chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cân nhắc dỡ bỏ hạn chế đối với Kyiv trong việc sử dụng vũ khí của Washington để tấn công lãnh thổ Nga.

Nhà Trắng cân nhắc rủi ro

Tổng thống Biden đang chịu sức ép ngày càng tăng từ các nước đồng minh lẫn cố vấn trong chính quyền về việc có cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga hay không. Đây có thể là một trong những quyết định quan trọng nhất kể từ khi xung đột nổ ra bởi có nguy cơ làm leo thang khả năng đối đầu trực tiếp giữa 2 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Theo báo The New York Times, Nhà Trắng đã bắt đầu quá trình đánh giá chính thức về việc liệu có nên chấp nhận rủi ro hay không. Động thái bật đèn xanh của Mỹ sẽ giúp Ukraine có thể sử dụng vũ khí Mỹ phản công vào các địa điểm pháo binh và tên lửa nằm bên trong đất Nga.

Điểm xung đột: Nga thừa nhận năng lực UAV Ukraine; Israel cắt đứt Gaza khỏi Ai Cập

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là quan chức cấp cao đầu tiên trong chính quyền công khai để ngỏ khả năng "thích nghi và điều chỉnh" lập trường về việc Ukraine tấn công đất Nga bằng vũ khí Mỹ, dựa trên sự thay đổi của tình hình chiến trường. "Chúng tôi luôn đưa ra những quyết định về điều cần thiết phải làm để đảm bảo Ukraine có thể tiếp tục tự vệ hiệu quả", ông Blinken phát biểu tại Moldova ngày 29.5.

Mỹ xét lại lằn ranh đỏ tại Ukraine- Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Kyiv hồi tháng 2.2023

Ảnh: AFP

Theo The New York Times, ông Blinken đã báo cáo với Tổng thống Biden sau chuyến thăm Kyiv trong tháng này rằng Ukraine có khả năng không thể giữ được vùng lãnh thổ giữa Kharkiv và biên giới Nga trừ khi chủ nhân Nhà Trắng thay đổi quan điểm. Ngay sau đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh không có thay đổi nào trong chính sách của Mỹ, nhưng lưu ý "sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine đã phát triển một cách phù hợp". 

Từ đầu xung đột, Mỹ đã nhiều lần điều chỉnh chính sách liên quan việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, từ hệ thống rốc két HIMARS, hệ thống phòng không Patriot, xe tăng Abrams, cho đến tên lửa tầm xa ATACMS hay chiến đấu cơ F-16.

Tranh cãi trước hội nghị hòa bình

Tính toán của Nhà Trắng diễn ra trong lúc Ukraine đang nỗ lực vận động Tổng thống Biden tham dự hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ vào giữa tháng 6. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky muốn hội nghị hình thành mặt trận thống nhất để gây sức ép lên Nga. Đồng thời, ông muốn thúc đẩy công thức hòa bình của Kyiv, theo đó kêu gọi rút toàn bộ quân Nga khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục biên giới như thời điểm năm 1991, tức bao gồm bán đảo Crimea và 4 vùng mà Nga tuyên bố sáp nhập hồi năm 2022.

Tình báo phương Tây cảnh báo Ukraine có thể mất thêm nhiều lãnh thổ

Theo Reuters, ông Zelensky cáo buộc Nga đang tìm cách cản trở hội nghị bằng việc gây sức ép lên các nước, song tuyên bố nỗ lực này không thành công khi có gần 100 nước và tổ chức quốc tế tham dự. Thụy Sĩ không mời Nga và Moscow cho rằng hội nghị này là vô nghĩa nếu thiếu họ. Trong một thông báo ngày 29.5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kêu gọi các nước không tham gia hội nghị tại Thụy Sĩ và không nên phục tùng sức ép từ phương Tây. Mặt khác, ông Lavrov hôm qua gợi ý Trung Quốc có thể sắp xếp một hội nghị hòa bình mà Nga và Ukraine cùng tham dự. 

Mỹ dọa cấm vận Trung Quốc

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell ngày 29.5 cáo buộc sự giúp đỡ của Trung Quốc giúp Nga tái khôi phục các năng lực quân sự như tên lửa tầm xa, pháo binh và máy bay không người lái, cũng như năng lực theo dõi chuyển động trên chiến trường. Ông cho biết châu Âu và Mỹ đã ban hành một số lệnh cấm vận đối với những hành động của Trung Quốc và sắp tới có thể sẽ "có những bước tiếp theo" nhằm gửi một thông điệp tập thể rõ ràng, theo Reuters. Hồi đầu tháng, sau khi Mỹ trừng phạt một số công ty tại Trung Quốc với cáo buộc giúp Nga né lệnh cấm vận, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C nói Bắc Kinh giám sát việc xuất khẩu các thiết bị lưỡng dụng theo luật quốc tế, nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế - thương mại với Moscow tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại thế giới và nguyên tắc thị trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.