Trong hơn 2 tuần qua, người dân đã biểu tình ở các thành phố và thị trấn khắp Myanmar, phản đối quân đội lên cầm quyền sau cuộc chính biến hôm 1.2 và yêu cầu quân đội thả bà Aung San Suu Kyi và những quan chức khác.
"Những người biểu tình đang xúi giục người dân, nhất là thanh thiếu thiếu niên, tham gia biểu tình và có nguy cơ tính mạng không được bảo toàn", theo một tuyên bố trên đài truyền hình nhà nước MRTV. Bản tuyên bố còn cảnh báo những người biểu tình chớ nên kích động bạo loạn và cổ súy tình trạng vô chính phủ.
Lời cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh có 4 người thiệt mạng hồi tuần rồi sau khi lực lượng an ninh nổ súng vào đám đông biểu tình ở thành phố Mandalay, Yangon và thủ đô Naypyitaw.
Một phụ nữ trẻ tham gia biểu tình tên Mya Thwate Thwate Khaing tử vong hôm 19.2 sau khi bị bắn trúng đầu hồi tuần rồi ở thủ đô Naypyitaw. Đây là người biểu tình thiệt mạng đầu tiên kể từ ngày 1.2, trở thành biểu tình của phong trào biểu tình phản đối quân đội lên cầm quyền. Còn quân đội cho biết 1 cảnh sát đã tử vong vì vết thương trong lúc cố giải tán đám đông biểu tình.
Tuy nhiên, hàng ngàn người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường ở thành phố Yangon vào ngày 22.2. Các chợ và cửa hàng ở nhiều nơi dự kiến sẽ vẫn đóng cửa để ủng hộ những người biểu tình.
"Can thiệp trắng trợn"
Tổ chức Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị ở Myanmar cho biết tính đến ngày 21.2, có 640 người đã bị bắt, buộc tội hoặc kết án sau cuộc chính biến hôm 1.2.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres lên án việc "sử dụng vũ lực gây chết người" ở Myanmar. Mỹ, Anh, Canada đã lên án dùng vũ lực gây chết người và lần lượt công bố các lệnh cấm vận nhắm vào những tướng lĩnh quân đội Myanmar. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 21.2 cảnh báo Washington sẽ có “hành động cứng rắn” chống lại quân đội Myanmar.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Myanmar cáo buộc LHQ và chính phủ nước ngoài "can thiệp trắng trợn" vào vấn đề nội bộ của nước này.
Quân đội Myanmar lên cầm quyền từ ngày 1.2 sau khi đưa ra cáo buộc cho rằng có gian lận trong cuộc bầu cử ngày 8.11.2020 với kết quả đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng tuyệt đối. Ủy ban bầu cử Myanmar đã bác bỏ mọi cáo buộc của quân đội.
Tuy nhiên, quân đội khẳng định việc lên cầm quyền, ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm là hợp hiến và được đa số người dân ủng hộ, rồi dần dần sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình, theo AFP. Quân đội và cảnh sát đôi khi dùng đạn cao su, hơi cay, vòi rồng và thậm chí cả đạn thật.
Bà Suu Kyi đang bị quản thúc tại gia và phải đối mặt cáo buộc vi phạm Luật Quản lý Thảm họa Thiên nhiên và vi phạm luật xuất nhập khẩu vì nhập khẩu trái phép 6 thiết bị bộ đàm. Bà sẽ hầu tòa vào ngày 1.3.
|
Bình luận (0)