Tổng thống Myanmar Thein Sein khẳng định sẽ dùng mọi biện pháp, kể cả vũ lực nếu cần, để lập lại an ninh tại miền trung nước này.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bài phát biểu được truyền hình trên cả nước, theo AP hôm qua. Ông Thein Sein cáo buộc những kẻ cơ hội chính trị và cực đoan tôn giáo đang gieo thù hằn và kích động xung đột giữa người Phật giáo và Hồi giáo. “Tôi muốn cảnh báo kẻ cơ hội chính trị và cực đoan tôn giáo rằng hành động của chúng sẽ không được tha thứ. Tôi không ủng hộ dùng vũ lực nhưng nếu đây là biện pháp cuối cùng để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, tôi sẽ không do dự”, Tổng thống Thein Sein nói.
|
AP dẫn thống kê của cảnh sát Myanmar cho hay đến nay đã có ít nhất 42 người thiệt mạng, 93 người bị thương, khoảng 12.000 người phải sơ tán, 37 kiến trúc tôn giáo và hơn 1.200 ngôi nhà bị phá hủy trong các vụ bạo lực tại miền trung. Bất ổn xuất phát từ một cuộc cãi vã giữa một chủ tiệm vàng Hồi giáo và 2 người theo đạo Phật tại thị trấn Meiktila hôm 20.3 và nhanh chóng lan rộng đến gần thành phố Yangon. Theo AFP, chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp, áp đặt lệnh giới nghiêm và triển khai binh lính tới các vùng bị ảnh hưởng.
Đây là vụ xung đột tôn giáo nghiêm trọng tại Myanmar từ sau đợt bất ổn tương tự tại bang Rakhine, miền tây nước này. Khi đó, ít nhất 180 người thiệt mạng và khoảng 125.000 người mất nhà cửa. AP dẫn lời giới quan sát cảnh báo bạo động tôn giáo có thể ảnh hưởng đến tiến trình hòa giải dân tộc và cải cách dân chủ vốn đang rất được thế giới ủng hộ của chính quyền Tổng thống Thein Sein. Mấy ngày qua, LHQ và các lãnh đạo tôn giáo tại Myanmar một mặt kêu gọi kiềm chế, một mặt chỉ trích giới hữu quan phản ứng chậm và chưa hiệu quả. Trong bài phát biểu nói trên, Tổng thống Thein Sein nói nhà chức trách không ngay lập tức dùng biện pháp mạnh vì không muốn ảnh hưởng đến các nỗ lực cải cách dân chủ. Ông cũng yêu cầu cảnh sát hành động cương quyết và đúng pháp luật.
Hàng trăm người dân thuộc các tôn giáo khác nhau, chủ yếu là thanh niên, hôm 28.3 đã tập trung tại Yangon để tham gia sự kiện “Cầu nguyện cho Myanmar”, kêu gọi chấm dứt phân biệt chủng tộc và tôn giáo để chung sống hòa bình. Đến hôm qua, tình hình có vẻ dịu bớt nhưng vẫn còn khá căng thẳng, theo AFP.
Trọng Kha
>> Tổng thống Thein Sein gặp bà Suu Kyi
>> Ông Thein Sein sẵn sàng chấp nhận bà Suu Kyi làm tổng thống
>> Mỹ cảnh báo tình hình Myanmar
>> Bất ổn ở miền trung Myanmar
Bình luận (0)