Myanmar trên lộ trình hòa giải và hợp tác

14/11/2015 10:48 GMT+7

Với một loạt động thái thiện chí từ các bên ngay khi kết quả kiểm phiếu còn ở bước đầu, tương lai Myanmar sau bầu cử rất đáng lạc quan.

Với một loạt động thái thiện chí từ các bên ngay khi kết quả kiểm phiếu còn ở bước đầu, tương lai Myanmar sau bầu cử rất đáng lạc quan.

Đảng NLD chính thức đủ điều kiện tự lập chính phủ mới ở Myanmar - Ảnh: AFPĐảng NLD chính thức đủ điều kiện tự lập chính phủ mới ở Myanmar - Ảnh: AFP
Tuy kết quả cuối cùng dự kiến chỉ có trong tuần tới, nhưng đến cuối ngày 13.11, đảng đối lập Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành được 369 ghế (gồm 238 ghế hạ viện và 131 ghế thượng viện) trong số 452 ghế đã kiểm, vượt xa con số 329 ghế cần thiết để tự lập chính phủ. Đảng cầm quyền Đoàn kết và Phát triển Liên bang (USDP) được 40 ghế, trong khi các đảng còn lại được 43 ghế. Quốc hội lưỡng viện của Myanmar gồm 664 ghế (hạ viện 440, thượng viện 224), nhưng 25% số ghế mặc nhiên dành cho các tướng lĩnh quân đội mà không qua bầu cử. Cộng thêm việc có 7 khu vực không thể tiến hành bỏ phiếu vì không đảm bảo an ninh nên số ghế thực bầu chỉ còn 491.
“Cuộc bầu cử là thảm họa đối với các đảng thiểu số”, thành viên sáng lập Đảng công dân Dawei (DWP) Thu Rein Hlaing nói với Thanh Niên. Thành lập cuối năm 2013 và là chính đảng thiểu số duy nhất của cả vùng Tanintharyi ở phía nam Myanmar, DWP có 6 ứng viên quốc hội và 7 ứng viên hội đồng lập pháp vùng, nhưng “không thắng được ghế nào”. Hy vọng có được tiếng nói đại diện quyền lợi người thiểu số trong nghị trình quốc gia của DWP, cũng như nhiều đảng địa phương khác, đã mất, đặc biệt khi NLD thắng đậm và không cần liên minh với các đảng nhỏ để lập chính phủ.
Hòa giải và hợp tác
Dù không đạt được mục tiêu, “DWP cũng như các đảng nhỏ khác sẽ hợp tác với chính phủ của bà Suu Kyi” trong tương lai, ông Thu nói. Lạc quan về triển vọng này, chuyên gia về Myanmar của Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) Kyaw San Wai nói với Thanh Niên: “Các đảng thiểu số cũng như các nhóm vũ trang tin rằng hợp tác với NLD sẽ dễ dàng hơn với USDP”. Ông cũng cảnh báo: “Một vấn đề lớn đối với chính quyền Suu Kyi là làm sao đảm bảo các chính sách quốc gia phản ánh được sự đa dạng về thành phần sắc tộc và mọi miền đều có thể hưởng thụ được thành quả kinh tế tốt hơn”. Ông Kyaw tin rằng nếu bà Suu Kyi có thái độ hòa hợp và mở rộng vòng tay, cơ hội để đi đến những dàn xếp ổn thỏa là không khó.
Cho đến thời điểm này, quan ngại lớn nhất về khả năng chính quyền hiện tại và quân đội có tôn trọng kết quả bầu cử hay không và sự đối đầu giữa chính quyền của bà Suu Kyi với quân đội trong tương lai đã phần nào được cởi bỏ. Giới quan sát không khỏi thán phục khi Tổng thống Thein Sein lẫn Thống tướng Min Aung Hlaing nhanh chóng thừa nhận chiến thắng của bên đối lập. Trên trang Facebook cá nhân, Tổng thống Thein Sein viết: “Trong tư cách chính phủ, chúng tôi tôn trọng và tuân thủ kết quả bầu cử cũng như việc chuyển giao quyền lực một cách êm thấm”. Còn Tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, sau khi họp với các tướng lĩnh hôm 12.11, đã ra thông cáo: “Tatmadaw (tên gọi của quân đội Myanmar - NV) sẽ làm những gì tốt nhất, sẽ hợp tác với chính quyền mới xuyên suốt giai đoạn hậu bầu cử”.
Về phần mình, bà Suu Kyi đã mời Tổng thống Thein Sein, Thống tướng Min Aung Hlaing cùng Chủ tịch quốc hội Shwe Mann họp bàn việc nước sau bầu cử và đã được ông Thein Sein lẫn ông Shwe Mann nhận lời. Mặc dù thận trọng nhắc nhở “không nên phán xét quá sớm về thái độ của phe quân sự”, ông Kyaw vẫn tin rằng: “Khả năng lớn là quân đội sẽ hợp tác với bà Aung San Suu Kyi. Trong trường hợp bất đồng, quân đội có thể sử dụng 25% ghế của mình trong quốc hội để phản ứng trong khuôn khổ hiến pháp”...
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gọi điện cho bà Suu Kyi lẫn Tổng thống Thein Sein để chúc mừng và hoan nghênh cả hai, đặc biệt gọi ông Thein Sein là người “dũng cảm và có tầm nhìn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.