Năm 2021, nền kinh tế số Việt Nam đạt giá trị 21 tỉ USD

Hiển Đạt
Hiển Đạt
16/04/2022 10:25 GMT+7

Nền kinh tế số tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua và được dự đoán sẽ đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP Việt Nam trong những năm tới.

Ưu tiên chuyển đổi số, kinh tế số

Trước đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - đã xác định chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số "là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc". Điều này đã được Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh thêm một lần nữa trong bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM, diễn ra trong ngày 15.4.

Quyết tâm theo đuổi phát triển nền kinh tế số, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản về chủ trương, chính sách chủ động tham gia thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu "Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật đối với việc xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số".

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm tỷ lệ 20% GDP. Tỷ lệ này tiếp tục được khẳng định trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", ngoài ra, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngày 31.3.2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra các điểm đột phá và xác định thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số.

Nhận định bởi Thông tin Chính phủ, phát triển kinh tế số là một nhiệm vụ được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia và những điều kiện để hình thành, phát triển kinh tế số đều đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ, toàn diện.

Nền kinh tế số tăng trưởng nhanh bậc nhất khu vực

Trải qua gần bốn thập kỷ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo báo cáo "e-Conomy SEA 2021" do Tập đoàn Google, Bain (Mỹ) và Temasek (Singapore) phối hợp công bố, nền kinh tế internet của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỉ USD, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước, cao gấp 7 lần năm 2015, và dự kiến đạt 57 tỉ USD năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á (tốc độ tăng trưởng khoảng 29% một năm).

Trong khi đó, báo cáo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" do hãng tư vấn Alpha Beta phát hành tại Hội thảo "Tiềm năng kinh tế số Việt Nam" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Google tổ chức tháng 10.2021, nhận định rằng công nghệ số có thể đem lại hơn 74 tỉ USD cho Việt Nam vào năm 2030, tương đương 27% GDP của Việt Nam năm 2020, nếu được tận dụng tối đa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.