Trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, Giáo dục và Y tế là 2 ngành thuộc Top đầu. Theo Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục - Đào tạo) Tô Hồng Nam, lãnh đạo ngành xác định Giáo dục phải đi đầu trong chuyển đổi số, vì vậy việc thúc đẩy kỹ năng số từ nhà trường rất quan trọng. Tuy nhiên, việc phổ cập công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập vẫn còn những điểm khác biệt giữa khu vực nông thôn, miền núi và khu vực thành thị.
Học sinh sớm tiếp cận kỹ năng số để sẵn sàng cho lộ trình chuyển đổi số quốc gia |
Qualcomm |
Ngoài kế hoạch đầu tư, thay đổi thực trạng trên từ các bộ, ngành, nhiều doanh nghiệp trong nước cùng các quỹ đầu tư, tổ chức phi chính phủ cũng đang nỗ lực để "thu hẹp khoảng cách kỹ năng số giữa học sinh nông thôn và khu vực thành thị", theo lời ông Nguyễn Văn Hạnh, Tổng giám đốc Quỹ Dariu.
Chia sẻ tại một sự kiện gần đây tại Hà Nội, ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc điều hành Qualcomm Việt Nam, Campuchia và Lào nói: "Chúng tôi tin công nghệ mới sẽ giúp thay đổi cuộc sống cũng như cách chúng ta học tập. Để chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam thành công thì nguồn lực, kỹ năng số rất quan trọng và phải bắt đầu từ các cấp phổ thông. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn, và bài toán chuẩn bị nguồn nhân lực đòi hỏi sự hợp tác của cả lĩnh vực công lẫn tư nhân". Qualcomm hiện hợp tác với quỹ Dariu, Viettel... cùng một số đối tác khác để triển khai chương trình Vietnam Forward nhằm phổ cập kỹ năng số trong các cấp học cơ sở.
Theo Qualcomm, có khoảng 1,5 triệu học sinh nông thôn Việt Nam không thể tiếp cận thường xuyên với thiết bị kỹ thuật số, không thể kết nối mạng hay tài nguyên trực tuyến giúp các em tìm hiểu kỹ năng, năng lực kỹ thuật số, trong đó có cả kinh nghiệm về mã hóa, khoa học máy tính, robot điều khiển để chuẩn bị cho thị trường lao động. Bên cạnh đó, thực tế với những tác động từ đại dịch Covid-19 với sự chuyển đổi nhanh chóng trong giáo dục từ học trên lớp sang hình thức online đã bộc lộ nhiều thách thức, làm tăng khó khăn trong dạy và học, bao gồm thiếu thiết bị, kết nối mạng để bắt kịp với các phương pháp tiên tiến.
Báo cáo của Vietnam Forward công bố khoảng 100.000 học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở tại 80 trường học nông thôn trên khắp Việt Nam đã được trang bị các nền tảng kỹ thuật để phát triển các kỹ năng cần thiết. Học sinh học lập trình trên lớp và mang thiết bị về nhà để làm các bài tập lập trình theo nhóm. Gần đây, nhiều sáng kiến từ học sinh đã được công nhận trong các cuộc thi lập trình khu vực.
Cùng với đó, hơn 6.000 nhà giáo cho biết đã tự tin hơn trong việc giảng dạy lập trình nhờ tham gia vào các khóa đào tạo phát triển nghề nghiệp. Dựa trên các kỳ thi năng lực trong lớp học, 90% học sinh phát triển các kỹ năng số và khả năng trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), dẫn đến nâng cao cơ hội việc làm.
Các doanh nghiệp luôn "khát" nhân lực cho chuyển đổi số |
Chụp màn hình |
Khu vực nông thôn, vùng núi đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp, tổ chức nhằm thu hẹp những thiệt thòi đối với các học sinh tại đây. Ông Nguyễn Trọng Tính - Phó tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết đơn vị đã đồng hành cùng Bộ Giáo dục - Đào tạo từ năm 2014 nhằm triển khai các giải pháp góp phần rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền trên cả nước để tất cả học sinh Việt Nam đều được hưởng nền giáo dục chất lượng cao.
"Tính đến nay, Viettel đã lắp đặt miễn phí internet tốc độ cao đến hơn 35.000 trường học để tối ưu công tác quản lý, hỗ trợ dạy và học trực tuyến, cùng với đó là hơn 170.000 suất học bổng cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn được trao đến các em", ông Tính cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, sau những thành công có được từ quá trình phổ cập kỹ năng số tới cấp tiểu học, trung học cơ sở, bước tiếp theo có thể tính đến việc triển khai nhiệm vụ đầu tư nhân lực công nghệ từ cấp mẫu giáo thông qua những kế hoạch tiếp xúc cơ bản, phù hợp với lứa tuổi để các em sớm làm quen với công nghệ thông tin.
Hiện nay, nhân lực công nghệ thông tin phục vụ cho chuyển đổi số đang là "bài toán đau đầu" của nhiều doanh nghiệp không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới. Nhiều ngân hàng, Fintech (công ty công nghệ tài chính) trong nước đều đang tìm mọi phương án có thể nhằm thu hút, đào tạo được lực lượng lao động có kỹ năng phục vụ công việc. Một trong nhiều phương án được đưa ra là tìm kiếm, đào tạo từ khi sinh viên còn trên ghế nhà trường để kịp tích lũy đủ kinh nghiệm và kỹ năng thực tế để làm việc ngay khi vừa ra trường.
Bình luận (0)