Năm 2022, các tập đoàn, tổng công ty sẽ ‘thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá’

01/02/2022 11:00 GMT+7

Hơn 3 năm hoạt động, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, tạo thuận lợi cho các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc để thực hiện tốt nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Điểm sáng năm 2021 tạo động lực phát triển năm 2022

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, năm 2021, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước( ủy ban) và các tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban là những doanh nghiệp then chốt trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Năm vừa qua, Ủy ban và các doanh nghiệp đã có đóng góp rất lớn vào thành công chung của cả nước. Trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh, các tập đoàn, tổng công ty đã hoạt động hiệu quả; nhiều doanh nghiệp thực hiện đạt và vượt kế hoạch được giao.

Theo số liệu của Ủy ban, năm 2021, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 99% kế hoạch (821.295 tỉ đồng, bằng 108% so với năm 2020); tổng lợi nhuận trước thuế ước vượt 70% kế hoạch (34.179 tỉ đồng, bằng 93% so với năm 2020); tổng nộp ngân sách ước vượt 27% kế hoạch (62.443 tỉ đồng, bằng 99% so với năm 2020). Trong đó, 13/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 14/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 14/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách; 5 tập đoàn, tổng công ty đạt lợi nhuận cao so với kế hoạch và so với năm 2020; 4 tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách cao so với kế hoạch và so với năm 2020;...

Ấn tượng nhất về sự nỗ lực bứt phá trong số 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban năm 2021 phải kể đến Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC). Từ một doanh nghiệp nhà nước luôn nằm trong tốp đầu về thua lỗ, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản, VIMC đã quyết liệt triển khai cơ cấu lại toàn diện, nắm bắt thời cơ phục hồi thị trường vận tải quốc tế để bứt phá mạnh mẽ để “đổi màu” bức tranh tài chính. Kết thúc năm 2021, lợi nhuận của VIMC ước đạt 3.750 tỉ đồng, trong đó cảng biển chiếm 67% lợi nhuận, dịch vụ hàng hải chiếm 26%, vận tải biển chiếm 7%. Đáng lưu ý, lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, toàn khối vận tải biển của tổng công ty đã ghi nhận lợi nhuận hơn 1.000 tỉ đồng.

Đặc biệt, chiến lược chuyển đổi số được nhiều tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban tích cực thực hiện, mang lại hiệu quả bước đầu rất khả quan, đổi mới phương thức điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Điển hình như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Năm 2021, nhiều dự án trọng điểm đã được khởi công, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của cả nước như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I;giai đoạn 1 Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nhiều giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển năm 2022

Năm 2022, Tổng công ty kinh doanh vốn và đầu tư nhà nước (SCIC) tập trung cao vào các giải pháp về xây dựng thể chế, chiến lược trong đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2035. Trong công tác quản trị doanh nghiệp, SCIC tiếp tục tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp; áp dụng các chuẩn mực và biện pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường công tác quản trị đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, có vốn nhà nước chi phối và có vai trò quan trọng trong danh mục; tiếp tục tái cơ cấu, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài tại một số doanh nghiệp trong đó có một số tập đoàn, tổng công ty mới tiếp nhận, các doanh nghiệp thuộc diện giám sát đặc biệt; tăng cường giám sát thực hiện Quy chế người đại diện mới và kiện toàn nâng cao chất lượng hệ thống người đại diện. Trong công tác đầu tư, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ quan có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy trình, quy chế về đầu tư kinh doanh vốn của SCIC.

Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) tập trung thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ để kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo việc làm cho người lao động. Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch Covid-19 Tập đoàn TKV có các biện pháp cụ thể ở từng thời điểm, triển khai các giải pháp để thực hiện sản xuất kinh doanh ổn định, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động; có sự tăng trưởng hợp lý. Tập đoàn TKV sẽ cung cấp đủ than cho khách hàng đã ký kết hợp đồng kinh tế, đặc biệt là hộ điện; chủ động trong nghiên cứu, dự báo thị trường. Đồng thời, hoàn thiện mô hình “Sản xuất và thương mại than”; nâng cao giá trị kinh doanh than theo hướng sản xuất tối đa các loại than chất lượng cao; khai thác tối đa lợi thế của tập đoàn, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên trong việc pha trộn than nhập khẩu và than sản xuất trong nước.

Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng bộ PVN nhiệm kỳ 2020-2025, thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, là năm thứ 7 thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035. Để thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị được giao góp phần cùng cả nước thực hiện thành công chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, Tập đoàn xác định mục tiêu của năm 2022 là: Quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trước những cơ hội và thách thức năm 2022, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Rà soát, phát hiện và đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý còn bất cập, chưa đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với tổ chức và hoạt động của Ủy ban và doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.