Mọi dự báo đều cho rằng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Với riêng VN, theo ông thách thức của chúng ta là gì?
Những dự báo về khó khăn trong năm 2023 thực tế đã manh nha từ quý 4/2022. Chính vì vậy, Quốc hội cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khiêm tốn 6,5%, giảm gần 1,5% so với 2022. Với một nền kinh tế mở như VN, nhận diện khó khăn hay lợi thế đều phải đặt trên bối cảnh toàn cầu.
Năm 2023 tuy tiềm ẩn nhân tố bất lợi nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho kinh tế VN |
Đào Ngọc Thạch |
Về khách quan, các nền kinh tế lớn trên thế giới chưa đến nỗi suy thoái nhưng tốc độ tăng trưởng cũng chậm lại ở mức thấp hơn năm 2022. Bên cạnh đó, tác động của chiến sự Nga - Ukraine về năng lượng, lương thực chưa lường hết được; cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, điểm tích cực hơn của năm nay so với 2022 là lạm phát thế giới và tăng giá đồng USD được kiềm chế. Vì thế, không còn thời kỳ “ngủ đông”, bi quan như giai đoạn đầu 2022 mà niềm tin lúc này đã lớn hơn. Nhìn chung, dù không quá sáng sủa nhưng tới hiện nay không có dự báo nào quá tiêu cực trong 2023. Tôi hy vọng thị trường thế giới sẽ phục hồi tích cực hơn từ quý 3/2023 vì vấn đề này liên quan tới xuất khẩu của VN.
Trong nước, khi mở cửa kinh tế vào năm 2022, chúng ta có khả năng phục hồi khá tốt. Tuy nhiên, từ quý 4, một số ngành xuất khẩu suy giảm. Việc giải quyết những vi phạm trong thị trường tài chính, bất động sản (BĐS) đã tác động mạnh tới thị trường. Cùng với đó, giải ngân đầu tư công - công cụ để phục hồi kinh tế - chậm. Vấn đề liên quan tới trái phiếu hiện nay cũng chưa được giải quyết xong. Đặc biệt là lãi suất quá cao. Mặc dù đến nay, Ngân hàng Nhà nước khống chế mức lãi suất huy động ở mức 9,5% nhưng điều đó không có nghĩa là một số ngân hàng thương mại không vi phạm, cho vay với lãi suất cao hơn, do nhu cầu thanh khoản. Tôi cho rằng nếu như 2022, kinh tế VN rất lo lắng về các tác động khách quan từ bên ngoài thì sang tới 2023, thách thức lớn nhất lại là xử lý những vấn đề nội tại.
Tựu trung lại tôi cho rằng khó khăn có thể sẽ kéo dài tới giữa 2023. Khi đó, thị trường xuất khẩu sẽ bắt đầu khởi sắc trở lại khi một số thị trường thế giới bắt đầu có những tín hiệu tốt hơn. Còn khởi sắc đến đâu thì tùy thuộc vào cách chúng ta xử lý tốt hay không thị trường tài chính và thị trường BĐS, đặc biệt là phải phục hồi thị trường BĐS.
TS Trần Du Lịch |
Độc Lập |
Trong bối cảnh như vậy, chúng ta có thể tận dụng những lợi thế gì để tiếp tục đạt mục tiêu tăng trưởng, thưa ông?
Nếu nhìn tổng thể, năm 2023 có thể có những yếu tố bất lợi hơn 2022 nhưng VN có triển vọng rất lớn. Xuất khẩu nông sản, thủy sản năm nay chắc chắn sẽ giữ vững phong độ tăng trưởng khi chúng ta cũng gỡ được khá nhiều rào cản từ việc tham gia ký kết các hiệp định FTA. Thu hút FDI của 2022 cũng khá tốt, nếu nhiều dự án được triển khai trong 2023 sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế. Tương tự, sang năm nay, thị trường BĐS cũng sẽ gỡ được một số dự án quan trọng để triển khai nhằm tăng nguồn cung, kích thích ngành xây dựng cùng một số ngành khác phát triển. Chúng ta còn tồn đọng quỹ đầu tư công tới 900.000 tỉ. Nghĩa là nền kinh tế không thiếu tiền, vấn đề là kênh dẫn vốn. Nếu có đột phá thể chế để hỗ trợ thị trường hấp thụ vốn thì nền kinh tế có thể tiếp tục phục hồi tốt và mục tiêu tăng trưởng 6,57% là khả thi.
Đặc biệt, chúng ta có một thị trường nội địa cực kỳ tiềm năng. Với khoảng 100 triệu dân, tất cả lĩnh vực hoàn toàn có thể dựa vào thị trường nội địa, kể cả sức mua, đầu tư, hàng không, du lịch… Tư duy VN lâu nay vẫn là nền kinh tế hướng vào xuất khẩu, hướng vào FDI quá nhiều. Cái đó chỉ đúng ở cách đây 10 năm. Bây giờ thị trường nội địa tiềm lực đã khác, doanh nghiệp (DN) trong nước đã lớn mạnh, tầng lớp trung lưu đã phát triển. Vì thế, chính sách cần tập trung vào đó để tạo động lực bên trong, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 cũng như tạo nền tảng phát triển mạnh, bền vững.
Những chính sách hỗ trợ cần nhanh chóng được thực thi để gỡ khó cho nền kinh tế.
Các chính sách hỗ trợ mà ông muốn nói tới là gì?
Đầu tiên và quan trọng nhất lúc này là phải ổn định được thị trường tài chính. Chúng ta chấn chỉnh thị trường trái phiếu là đúng, song phải tạo điều kiện cho những DN minh bạch, đáp ứng đủ điều kiện phát hành trái phiếu, vì đây là một kênh huy động vốn quan trọng. Nó chia sẻ bớt gánh nặng vốn trung hạn cho hệ thống ngân hàng thương mại. Vì vậy, Chính phủ phải có những động thái rõ ràng để tạo niềm tin cho thị trường.
Bên cạnh đó, phải kéo giảm được lãi suất. Ví dụ, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa đạt kết quả như kỳ vọng bởi những DN cần vay, cần tiền thì lại không đạt tiêu chuẩn tín dụng để vay trong khi các DN đạt tiêu chuẩn thì lại “ngại” vấn đề thủ tục cũng như e ngại trợ cấp của nhà nước liên quan đến vấn đề thanh, kiểm tra sau này. Chỗ này cũng phải “gỡ”.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng với chính sách hiện nay, nhất là chính sách tiền tệ, phương thức lựa chọn đối tượng là cực kỳ quan trọng. Nguồn vốn hữu hạn nên không thể dàn trải mà phải đến đúng chỗ. Ví dụ với thị trường BĐS, dòng vốn nới room phải dành cho những người có nhu cầu mua nhà ở, không bơm vào thị trường đầu cơ; dẫn vốn tới những dự án đang dang dở có khả năng hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu tăng cung thực tế cho thị trường, còn đối với những dự án chỉ tạo nên bán thành phẩm thì chưa cần thiết. Đặc biệt, không để cho những DN có vai trò lớn trong thị trường gãy đổ. Không chỉ ở VN, với cả những nền kinh tế lớn trên thế giới, nếu để những DN lớn, có vai trò lớn trên thị trường gãy đổ thì hậu quả sẽ rất lớn.
Đối với chính sách xã hội, trong 6 tháng tới, tập trung lớn nhất là hỗ trợ các đối tượng công nhân, người lao động thu nhập thấp tại 4 ngành mà hiện nay giảm lao động mạnh là da giày, dệt may, gỗ, điện tử. Cuối cùng là quyết liệt giải ngân đầu tư công.
Đầu tư công được kỳ vọng là động lực thúc đẩy kinh tế phục hồi hậu Covid-19, song thực tế tốc độ giải ngân rất chậm. Nguyên nhân và giải pháp đã được đề xuất rất nhiều nhưng rõ ràng chưa có sự chuyển biến. Theo ông, đâu là nút thắt lớn nhất?
Điều hành chính sách tiền tệ giữ ổn định vĩ mô nhưng không gây bất lợi cho tăng trưởng
NVCC |
VN có lợi thế nhất định trong kết nối với thế giới, trở thành nơi tìm kiếm của các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. Trong bối cảnh các dự báo kinh tế chỉ ra nhiều thách thức trong 2023, tôi kỳ vọng ở chính sách vĩ mô, áp lực đối với tiền tệ, lãi suất, tỷ giá, lạm phát… sẽ giảm. Trong nước có 2 kỳ vọng lớn nhất là xử lý thấu đáo, quyết liệt, càng nhanh càng tốt các vấn đề trên thị trường tài chính, tiền tệ. Làm sao để tìm điểm cân bằng, điều hành chính sách hợp lý theo từng giai đoạn, từng thời điểm để vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng mà vẫn không gây bất lợi cho quá trình phục hồi và tăng trưởng.
Về chính sách tiền tệ, tôi hy vọng áp lực lạm phát trên thế giới sẽ giảm, ngân hàng trung ương của nhiều nước phát triển sẽ giảm mức độ tăng lãi suất cả về liều lượng và tần suất. Khi đó chính sách tiền tệ có thể nới lỏng hơn, bớt căng thẳng hơn để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thứ hai là đẩy nhanh hơn, tốt hơn giải ngân đầu tư công. Sau đó là câu chuyện niềm tin của thị trường, niềm tin của công chúng.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh
Cần kéo dài các chính sách hỗ trợ DN
NVCC |
Cần tiếp tục kéo dài tới hết năm 2023 các chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả thiết thực như giảm thuế giá trị gia tăng 2% để dưỡng cầu và tiếp lửa gián tiếp cho hoạt động sản xuất của DN; giảm hay hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới... Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát cuộc đua lãi suất, đưa lãi suất huy động về mức ổn định là ưu tiên, từ đó chi phí vốn sẽ bình ổn theo. Ngoài ra, phía DN cũng cần tăng cường sự minh bạch và thống nhất trong hệ thống thông tin tài chính, phi tài chính, đáp ứng yêu cầu thẩm định tín dụng ngày càng cao từ ngân hàng. Khi kinh tế càng khó, việc quản trị rủi ro càng nâng cao để giảm thiểu rủi ro và tổn thất, cả hai phía ngân hàng và DN cùng phải cải thiện để đáp ứng.
TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng - Đại học Quốc gia TP.HCM
Giữ ổn định để DN yên tâm làm ăn
NVCC |
Theo dự báo, quý 1/2023 sẽ tiếp tục là thời gian khó khăn cho ngành dệt may khi lượng đơn hàng đã sụt giảm nhiều từ đầu quý 4/2022. Tuy nhiên, các DN cũng hy vọng từ quý 2/2023 trở đi thị trường sẽ hồi phục dần và đến quý 3/2023 sẽ tốt hơn. Trong tình hình hiện nay việc tập trung mọi cách để có đơn hàng là quan trọng nhất. Các DN có thể chấp nhận không lời hoặc thậm chí lỗ để công nhân vẫn có việc làm. VN vẫn có lợi thế lớn nhất là môi trường kinh tế chính trị xã hội ổn định. Do vậy các DN cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục giữ vững ổn định môi trường xã hội trong nước cũng như các chính sách có liên quan để DN an tâm sản xuất trong năm mới.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP may Sài Gòn 3, kiêm Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM
Năm 2023 không còn nhiều cái khó
NVCC |
Nếu mọi người nhận định khó khăn thì sẽ khó khăn thật. Người tiêu dùng thấy nói khó thì sẽ hạn chế tiêu xài; DN sợ khó thì không dám đầu tư; ngân hàng thấy khó thì không cho vay; nhà nước sợ lạm phát thì sẽ tiếp tục tăng lãi suất… Vì thế, thách thức lớn nhất là niềm tin, là tâm lý của tất cả thành phần trong nền kinh tế. Ở góc nhìn của tôi, tôi thấy 2023 không còn nhiều cái khó. Dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, các cuộc giao tranh về quân sự, kinh tế giữa các nước đã bước qua giai đoạn bỡ ngỡ; lạm phát cơ bản đã được kiểm soát… Tuy nhiên, thị trường nội địa sẽ phải đối mặt với khó khăn khi lượng lao động bị sa thải rất nhiều vào giai đoạn cuối 2022. Vì thế, đầu năm 2023, sức mua sẽ giảm, tạo áp lực lên các hoạt động kinh doanh, sản xuất.
Trong bối cảnh đó, quan trọng nhất là giải quyết vấn đề việc làm cho lực lượng lao động phổ thông. Trong ngắn hạn, Chính phủ phải tìm cách để tạo công ăn việc làm cho những lao động mùa vụ trước. Đơn cử như chi tiêu đầu tư công cho các công trình xây dựng, tổ chức các sự kiện sử dụng lao động phổ thông để họ có việc làm ban đầu. Khi đó, các hoạt động kinh tế khu vực phi chính thức cũng sẽ xuất hiện. Chúng ta cần dùng công cụ tài khóa để tạo ra việc làm. Về lâu dài, cần tính tới vấn đề đào tạo, tạo điều kiện cho người lao động thích ứng, theo kịp công nghệ mới. Đây là câu chuyện cần phải bàn trong 2023.
TS Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
Chính sách cần được triển khai nhanh chóng, rõ ràng hơn
NVCC |
DN cần lắm chính sách ổn định và được triển khai nhanh chóng hơn, thông tin sớm rõ ràng hơn. Ví dụ TP.HCM có chương trình hỗ trợ lãi vay đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được HĐND thông qua nhưng không rõ vì sao vẫn chưa trình để triển khai cho giai đoạn 2023 - 2027. Các thành viên của Hội DN cơ khí - điện TP.HCM tham gia chương trình đó, nhưng đến nay vẫn chưa được giải ngân hỗ trợ. Để ngành công nghiệp hỗ trợ đẩy mạnh và nhanh trong thời gian tới, DN cần lắm sự vào cuộc “nóng” với chính sách này của các ban ngành liên quan. Đây là cơ hội để DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách vững chãi và ổn định.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh
Giữ kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào chính sách tài chính
Intimex |
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex
Vì sao dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông “chạy” nhanh được như vậy? Đó là nhờ có cơ chế đặc thù, đường Vành đai 3 của TP.HCM cũng vậy. Còn những dự án không được áp dụng chính sách đặc thù thì mãi ì ạch, không làm được. Điều đó cho thấy những bất cập rất lớn từ cơ chế, chính sách. Quốc hội đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc nghiên cứu sửa luật, sửa đổi những bất cập trong chính sách, đồng bộ những quy định hiện đang chồng chéo, song vấn đề tổ chức thực thi hiện nay chưa đủ quyết liệt. “Trên nóng dưới lạnh” thì có chính sách cũng vẫn khó làm. Phải cần sự đồng bộ.
Tiếp đó là giải phóng mặt bằng (GPMB), lâu nay các dự án vướng nhiều nhất là khâu này. Mới đây, chúng ta làm thí điểm ở một vài địa phương, cho phép tách phần đền bù GPMB thành dự án riêng, những dự án nào ghi vốn tức là đã giải quyết xong phần GPMB. Cách làm như vậy rất tốt, rất hiệu quả nhưng muốn làm được, phải cho phép bố trí ngân sách trong việc đền bù riêng để tách dự án ra. Cần chủ trương để tiếp tục nhân rộng cách làm này.
Cuối cùng, phải có chiến lược phát triển các DN xây dựng trong nước. Số DN xây dựng nhỏ của VN khá nhiều, trong khi DN đủ tầm cỡ để dự thầu những công trình lớn lại ít. Như dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới đây cũng phải hủy đấu thầu và mất thời gian làm lại chỉ vì không có nhà thầu nào đủ điều kiện. Vì thế, phải có chính sách phát triển lực lượng DN xây dựng trong nước lớn mạnh, có uy tín. Ngoài ra, cần những chính sách đồng bộ liên quan tới vật liệu xây dựng, cơ chế giá…
Chúng ta không nên quan niệm chỉ tập trung những dự án lớn ở quy mô quốc gia bởi nếu tính tổng vốn đầu tư xây lắp, chia ra tổng thời gian xây dựng thì nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành hay 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông cũng không thể đủ sức tác động lớn, kích thích kinh tế trong năm nay. Vì thế, cái cần tập trung là các công trình xây dựng ở địa phương. Số lượng dự án nhiều sẽ tác dụng lan tỏa ngay tại địa phương, góp phần lớn kích thích toàn nền kinh tế nói chung.
Khó khăn chắc chắn sẽ nhiều nhưng cần quyết tâm, giải quyết triệt để, đồng bộ để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững vào những năm sau.
Bình luận (0)