Theo các phân tích cập nhật mới nhất, tình hình kinh tế châu Á có nhiều gam tối nhưng khu vực Đông Nam Á vẫn có một số điểm lạc quan và Việt Nam đang có thêm cơ hội trở thành điểm đến của ngành sản xuất chip bán dẫn đang chuyển hướng.
Đông Nam Á giữa những thách thức
Ngày 14.12, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố báo cáo kinh tế cập nhật về tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Theo đó, ADB dự báo nền kinh tế APAC sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay và 4,6% vào năm sau, thấp hơn mức dự báo ADP đưa ra hồi tháng 9 vừa qua lần lượt là 4,3% và 4,9%. Theo đó, chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu và trong khu vực, cuộc xung đột quân sự kéo dài ở Ukraine và các diễn biến tình hình bệnh dịch Covid-19 tại Trung Quốc đang làm chậm quá trình phục hồi của APAC. Trong đó, riêng Trung Quốc thì tình hình thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn cũng khiến triển vọng tăng trưởng của nước này trong năm nay bị hạ thấp từ mức 3,3% (theo báo cáo hồi tháng 9) xuống còn 3%, và dự báo tăng trưởng năm sau giảm từ mức 4,5% (theo báo cáo hồi tháng 9) xuống còn 4,3%.
Ông Albert Park, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, nhận định: “APAC sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng các điều kiện toàn cầu đang xấu đi khiến đà phục hồi sẽ bị chững lại trong năm mới”.
Việt Nam có thể trở thành điểm đến của các tập đoàn ngành bán dẫn |
Phạm Hùng |
Ngay cả với các mức dự báo bị hạ thấp này, châu Á đang phát triển vẫn sẽ làm tốt hơn các khu vực khác trên toàn cầu, cả về tăng trưởng và lạm phát. Trong bối cảnh đó, do nhu cầu toàn cầu suy yếu nên dự báo tăng trưởng năm 2023 của Đông Nam Á giảm từ 5% xuống còn 4,7%.
Tuy nhiên, dự báo của ADB lại nâng mức tăng trưởng cho Đông Nam Á trong năm nay từ mức 5,1% lên 5,5%, nhờ vào tiêu dùng và du lịch phục hồi mạnh mẽ ở Việt Nam, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Đây chính là những tín hiệu lạc quan cho kinh tế khu vực Đông Nam Á.
Cơ hội cho Việt Nam
Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin tiết lộ Apple lên kế hoạch chuyển nhiều phần sản xuất ra khỏi Trung Quốc do việc sản xuất ở nước này đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chính sách ứng phó dịch bệnh. Trang Bussiness Insider đưa tin Apple đã thiếu đến 6 triệu chiếc iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max so với kế hoạch do việc sản xuất tại Trung Quốc bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến thiệt hại không nhỏ cho Apple. Thậm chí, theo tờ South China Morning Post đưa tin ngày 8.12, ngay cả khi Trung Quốc đại lục mới đây bất ngờ nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 thì vẫn chưa đủ thuyết phục các tập đoàn Mỹ về sự ổn định sản xuất lâu dài.
Giữa bối cảnh như vậy, ngoài các yếu tố trên thì cuộc xung đột thương mại căng thẳng Mỹ - Trung đang khiến nhiều tập đoàn quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan linh kiện bán dẫn (vốn bao trùm vô số mặt hàng hiện nay như: smartphone, máy tính bảng, máy vi tính, thiết bị điện tử, ô tô…) đang có xu hướng chuyển sản xuất sang các nước khác ở châu Á. Trong đó, CNBC dẫn một số phân tích cho rằng Việt Nam và Ấn Độ nổi lên như 2 điểm đến tiềm năng cho quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất linh kiện bán dẫn. Cụ thể hơn, phân tích chỉ ra rằng Việt Nam đã đầu tư hàng tỉ USD vào các khoản đầu tư để thành lập các trung tâm nghiên cứu và đào tạo nhằm thu hút các nhà sản xuất lớn trong ngành chip. Điển hình, Samsung, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, được cho là đã cam kết đầu tư thêm hàng tỉ USD vào Việt Nam để có thể bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn từ giữa năm 2023. Chính vì thế, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội giữa những nguy khó, thách thức chung của nền kinh tế toàn cầu cũng như khu vực.
Rủi ro “cú nhảy bungee” xảy đến ở Đông Nam Á
CNBC dẫn báo cáo vừa phát hành của Tập đoàn tài chính JPMorgan (Mỹ) đề cập kịch bản “cú nhảy bungee” của thị trường tài chính Đông Nam Á vào năm 2023. Cụ thể, theo phân tích của chuyên gia Rajiv Batra (thuộc JPMorgan), trong năm 2023, thị trường tài chính khu vực này có thể: “sụt giảm mạnh, rồi tăng cao nhanh chóng (sự phục hồi của thị trường giá xuống), sau đó là một đợt giảm khác cho đến khi cuối cùng thị trường chạm đáy”. Các yếu tố dẫn đến kịch bản này là sức mua yếu đi do thắt chặt chính sách tiền tệ, chi phí đi vay cao hơn. Ngoài ra, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) còn tiếp tục tăng lãi suất cơ bản, gây ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế các nước phụ thuộc nhiều vào thương mại.
Phân tích cũng dẫn ra việc Chỉ số MSCI ASEAN (được tính dựa trên 170 cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa tại các thị trường Đông Nam Á gồm Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) đã giảm 22% kể từ tháng 2 - 10 vừa qua.
Bình luận