Năm 2024, cả nước dự kiến có 2.021 km cao tốc

Mai Hà
Mai Hà
28/12/2023 14:45 GMT+7

Ngày 1.1.2024 sắp tới, một dự án PPP mới là cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ khởi công, tiếp đó là các cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Ninh Bình - Thái Bình - Nam Định - Hải Phòng...

Sáng 28.12, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, đến tháng 12, ước giải ngân toàn ngành đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến hết niên độ đạt trên 95%.

Năm 2024, cả nước dự kiến có 2.021 km cao tốc- Ảnh 1.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng

NHẬT BẮC

Năm nay, Bộ GTVT được Chính phủ giao giải ngân hơn 94.160 tỉ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022, gấp 2,2 lần năm 2021, cùng với 19,9 tỉ đồng bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

"Khối lượng giải ngân lớn là nhiệm vụ thách thức trong bối cảnh nhiều dự án mới khởi công, giải phóng mặt bằng còn chậm. Nguyên vật liệu, nguồn cát đắp thiếu hụt, thời tiết diễn biến bất thường", ông Thắng nói.

Năm 2024, Bộ GTVT đặt kế hoạch giải ngân trên 95% số vốn được giao; khởi công 19 dự án và hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch. Trong đó đưa vào khai thác cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nâng tổng số cao tốc khai thác cả nước lên 2.021 km.

Ngành giao thông cũng đặt mục tiêu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Đường đi đến đâu mở ra không gian phát triển mới đến đó. Đường đi đến đâu, người dân thuận lợi đến đó, đường đi đến đâu khu công nghiệp, nông thôn phát triển theo".

Thủ tướng nhắc lại đầu năm 2023, lần đầu tiên, Bộ GTVT triển khai khởi công trực tuyến 12 dự án cao tốc từ Bắc đến Nam, và đến cuối năm tiếp tục khánh thành đồng loạt 4 dự án ngành GTVT từ sân bay, cầu, đường cao tốc ở 2 đầu đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ hoan nghênh đóng góp lớn của ngành GTVT, cũng như các địa phương trong năm 2023. "Quá trình tổ chức thực hiện tốt mới xây dựng được thể chế tốt, những vướng mắc trong thực tiễn cần phải tháo gỡ ngay. Đơn cử như vừa qua Chính phủ đã cùng Bộ GTVT, các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên vật liệu", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh việc hoàn thành 5 quy hoạch lớn của ngành, Bộ GTVT đã đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển hạ tầng giao thông như phân cấp cho địa phương xây dựng đường cao tốc, mở rộng vốn cho các dự án đầu tư PPP.

Riêng năm 2023, ngành giao thông đã khởi công 26 dự án, cuối năm kết thúc 4 dự án góp phần hoàn thành 20 dự án đưa vào khai thác, sử dụng. Đặc biệt, quá trình làm đã giữ được tinh thần "vướng mắc cấp nào, cấp đó phải tháo gỡ, vướng mắc ở đâu, ở đó phải tháo gỡ, ngay và luôn".

Thủ tướng cũng dẫn ví dụ đã đi kiểm tra cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ hồi tháng 4, ban đầu kế hoạch chỉ có 2 làn, sau đó quyết tâm nâng lên 4 làn nhưng vẫn giữ đúng tiến độ, hoàn thành cuối năm 2023.

Năm 2024, cả nước dự kiến có 2.021 km cao tốc- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ưu tiên các nguồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm

NHẬT BẮC

Thủ tướng cũng biểu dương Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã khắc phục nhanh những khó khăn ban đầu khi triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đến tháng 8.2023 đã chọn được nhà thầu. Đồng thời yêu cầu ACV cố gắng bù lại tiến độ cách đây 4 - 5 năm chưa thực hiện được.

Cho rằng việc triển khai các dự án PPP giao thông còn chưa được như kỳ vọng, tuy nhiên theo Thủ tướng, ngay ngày đầu năm mới 2024 (1.1.2024), một dự án PPP mới là cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh triển khai theo hình thức PPP sẽ được khởi công. Tiếp đó sẽ là các dự án cao tốc Gia nghĩa - Chơn Thành; dự án Ninh Bình - Thái Bình - Nam Định - Hải Phòng.

"Đây là 3 dự án rất quan trọng, tại 3 vùng kinh tế khác nhau trong đó có 1 vùng kinh tế khó khăn, 2 vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Hồng khu vực Hà Nội và Đông Nam bộ nối với Tây nguyên", Thủ tướng chỉ rõ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, các ban quản lý dự án không được chia nhỏ các dự án, đấu thầu công khai, minh bạch, chỉ định thầu đúng quy định, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Các nhà thầu cũng phải đặt lợi ích của dân tộc, nhân dân lên trên hết; kinh doanh phải có lãi nhưng phải bằng trí tuệ, sức lực, công khai, minh bạch chứ không phải bằng tiêu cực, trục lợi chính sách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.