Năm 2024, dẫn độ 1 đối tượng từ nước ngoài về Việt Nam

02/10/2024 11:19 GMT+7

Thông qua yêu cầu gửi cho nước ngoài, năm 2024, cơ quan chức năng đã dẫn độ 1 đối tượng về Việt Nam.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh mới đây ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, liên quan đến kết quả hoạt động tương trợ tư pháp năm 2024 (từ 1.10.2023 - 30.9.2024).

Năm 2024, dẫn độ 1 đối tượng từ nước ngoài về Việt Nam- Ảnh 1.

Năm 2024, kết quả xử lý các yêu cầu dẫn độ đã đạt được một số thành công nhất định (ảnh minh họa)

ẢNH: BCA

Dẫn độ 1 đối tượng về Việt Nam

Về ủy thác tư pháp dân sự, báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2024, số yêu cầu Việt Nam gửi nước ngoài là 2.843, kết quả đạt được là 1.785; số yêu cầu nước ngoài gửi Việt Nam là 1.109, kết quả đạt được là 878.

So với năm 2023, ủy thác tư pháp của Việt Nam gửi đi và tiếp nhận của nước ngoài lần lượt tăng 449 hồ sơ và 76 hồ sơ. Tuy nhiên, số kết quả ủy thác tư pháp nhận được cả 2 chiều đi và đến lại giảm lần lượt là 45 và 353 hồ sơ.

Về ủy thác tư pháp hình sự, năm 2024 số yêu cầu Việt Nam gửi nước ngoài là 385, trong đó kết quả đạt 215; số yêu cầu nước ngoài gửi Việt Nam là 69, kết quả đạt 55.

So với năm 2023, số ủy thác tư pháp của Việt Nam gửi nước ngoài tăng 2,1%, số yêu cầu có trả lời giảm hơn năm trước, nhưng không đáng kể. Tuy số lượng ủy thác tư pháp của nước ngoài gửi Việt Nam giảm nhưng tỷ lệ giải quyết trong năm 2024 đạt được bằng năm 2023.

Về dẫn độ, trong năm 2024, số yêu cầu nước ngoài gửi Việt Nam là 6, trong đó 5 yêu cầu đang xử lý, 1 yêu cầu đã chuyển TAND giải quyết. Số yêu cầu Việt Nam gửi nước ngoài là 15, trong đó đã dẫn độ về Việt Nam 1 trường hợp, 2 yêu cầu bị từ chối, 1 đối tượng đầu thú và 11 yêu cầu đang được xem xét.

Số lượng yêu cầu dẫn độ mà Việt Nam gửi cho nước ngoài tăng 2 yêu cầu so với năm 2023. Kết quả xử lý đã đạt được một số thành công nhất định, nhưng vẫn còn một số trường hợp phía nước ngoài từ chối dẫn độ do khác biệt giữa các hệ thống pháp luật, đối tượng xin tị nạn chính trị tại nước ngoài.

Bộ Công an đang tiếp tục theo dõi, nghiên cứu việc đề nghị nước ngoài tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng bị từ chối dẫn độ hoặc các biện pháp khác phù hợp.

Đối với các yêu cầu dẫn độ còn lại mà phía nước ngoài đang xem xét, Bộ Công an tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài sớm giải quyết.

Tách 1 luật thành 4 luật

Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Viện KSND tối cao đã hoàn thành việc lập đề nghị xây dựng luật Tương trợ tư pháp về dân sự, luật Tương trợ tư pháp về hình sự, luật Dẫn độ và luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Đây là các dự án luật được tách ra từ luật Tương trợ tư pháp hiện hành.

Các đề xuất xây dựng luật nêu trên đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Để nâng hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp, Chính phủ chỉ đạo các bộ và đề nghị TAND tối cao, Viện KSND tối cao đẩy mạnh hoạt động đề xuất ký các điều ước quốc tế, tạo cơ sở pháp lý cho việc yêu cầu và thực hiện tương trợ tư pháp trên cả 4 lĩnh vực, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chính phủ cũng kiến nghị các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội khác quan tâm công tác hoàn thiện thể chế pháp luật về tương trợ tư pháp, đặc biệt là việc cho ý kiến và thông qua 4 dự án luật đã nêu.

Viện KSND tối cao chủ động phối hợp với các bộ, ngành hoàn thành xây dựng, trình Quốc hội dự án luật Tương trợ tư pháp về hình sự cùng thời điểm Chính phủ trình 3 dự án luật còn lại; tiếp tục tăng cường chỉ đạo và triển khai có hiệu quả các điều ước quốc tế và pháp luật trong nước về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, thu hồi tài sản ở nước ngoài trong các vụ án hình sự.

TAND tối cao chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong hướng dẫn nghiệp vụ tương trợ tư pháp đối với các TAND cấp tỉnh đảm bảo đúng quy định pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.