XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH TIỀN LƯƠNG MỚI VỚI NHÀ GIÁO
Theo Bộ GD-ĐT, một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2024 là đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên (GV) được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18.7.2022 của Bộ Chính trị để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ và thiếu GV tại các cấp học do tăng quy mô học sinh, triển khai các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Rà soát, hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách để từng bước khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển GV, nhất là đối với môn học mới, môn học tích hợp. Phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới đối với đội ngũ nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục dự kiến áp dụng từ 1.7", Bộ GD-ĐT nêu.
Đây là một trong những thông tin được thầy cô trên cả nước trông đợi nhất trong năm nay. Thầy Nguyễn Thành Công, GV Trường THPT chuyên Sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội), cho rằng điều mà GV mong muốn là chính sách lương mới năm 2024 của nhà giáo sẽ được cấu thành từ 3 bộ phận: lương cơ bản, phụ cấp và đặc biệt có thêm phần tiền thưởng. Chế độ lương mới có thể khiến thầy cô giáo trẻ yên tâm công tác, có động lực để phấn đấu, thầy cô giáo nhiều năm kinh nghiệm có đủ lương để chăm lo cho gia đình, cho sinh hoạt phí, cho học tập của con cái.
"Nếu lương của công chức, viên chức trong năm nay tăng 30% và lương của công chức, viên chức ngành y tế và giáo dục tăng cao hơn so với mặt bằng chung của các ngành khác sẽ là cú hích rất mạnh giúp thu hút nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục, giúp thầy cô yên tâm công tác, tập trung cho công tác giảng dạy", thầy Công nêu quan điểm.
Cũng theo thầy Công, chế độ lương được cải thiện, môi trường làm việc của thầy cô giáo trong môi trường giáo dục cũng cần được cải thiện theo.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chia sẻ chế độ chính sách cho GV sẽ thay đổi đáng kể khi chúng ta thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1.7. Bà Nga nhắc lại lời mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói trước Quốc hội "lương GV sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương" và mong rằng GV sẽ bớt khó khăn về vật chất, từ đó không còn thầy cô bỏ nghề vì áp lực cuộc sống do thu nhập thấp.
XÂY DỰNG LUẬT NHÀ GIÁO ĐỂ THÁO GỠ NÚT THẮT VỀ ĐỘI NGŨ
Bộ GD-ĐT cho rằng hiện có khoảng 200 văn bản quy phạm pháp luật tác động tới đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tuy nhiên, thực trạng này cũng cho thấy chưa có văn bản đủ tầm thống nhất nên vẫn còn chồng chéo. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cho rằng phải xây dựng luật Nhà giáo.
Năm 2024, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tích cực chuẩn bị cho dự án luật này. Theo tiến sĩ Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT), đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo luật này, việc xây dựng luật Nhà giáo phải kiến tạo và tạo được môi trường phát triển đội ngũ, chứ không phải gồm những quy định cứng nhắc, ràng buộc nhà giáo. Tinh thần là xây dựng luật Nhà giáo phải tháo gỡ được những nút thắt của nhà giáo, chứ không phải xây dựng cho có luật.
Trong phát biểu tại buổi tham vấn ý kiến của các chuyên gia khi xây dựng luật Nhà giáo, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng: "Xây dựng luật Nhà giáo, chúng ta phải tiên lượng, dự báo được nguồn lực để thực hiện chính sách. Khi luật được ban hành, thì nguồn lực của nhà nước có đảm bảo thực hiện chính sách đó không, tác động trước mắt và cả lâu dài sẽ như thế nào".
Cũng theo ông Thưởng, vị thế của nhà giáo ngày càng được khẳng định trong xã hội. Công việc của nhà giáo có vai trò, ý nghĩa to lớn nên càng phải chăm lo. Chúng ta cần tổng kết, rà soát các văn bản, quy định của Đảng, Nhà nước về nhà giáo để tạo sự thống nhất, không chồng chéo, trùng lặp. Cái gì ưu điểm thì phát huy, cái gì còn khoảng trống, chưa rõ hoặc chưa đảm bảo nguyên tắc thì phải rà soát kỹ.
GIẢI QUYẾT ĐIỂM NGHẼN VỀ NGUỒN TUYỂN GV MÔN HỌC MỚI
Luật Giáo dục 2019 có sự thay đổi lớn về chuẩn trình độ đào tạo của GV. GV tiểu học từ trung cấp nâng lên ĐH, dẫn đến nhiều địa phương thiếu trầm trọng GV dạy các môn học mới như tiếng Anh, tin học, nghệ thuật... nhưng bế tắc cả nguồn tuyển.
Đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng GV, ngày 15.12.2023, Bộ GD-ĐT đã có Văn bản số 6996/BGDĐT-NGCBQLGD báo cáo Chính phủ đề xuất xây dựng nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng GV có trình độ cao đẳng để dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trước đề xuất này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện lập đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng GV có trình độ cao đẳng để dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng trình tự, thủ tục quy định trình Chính phủ trong quý 1 năm nay.
Bộ GD-ĐT cho biết để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu GV, bộ sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu GV, còn biên chế được tuyển dụng GV mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại luật Giáo dục 2005.
Trưởng phòng GD-ĐT các huyện khó khăn nhất về nguồn tuyển GV như Mèo Vạc (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái), đều chia sẻ với Thanh Niên hy vọng chủ trương trên sẽ giúp giải bài toán trước mắt về thiếu GV trầm trọng mà các địa phương này đang phải đối mặt.
CƠ SỞ ĐÀO TẠO GV PHẢI THAY ĐỔI
Năm 2024 cũng là năm tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông; trong đó thực hiện chu trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa đến các lớp 5, 9 và 12, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng muốn có nền giáo dục chất lượng cao cần thu hút nhiều người giỏi vào học sư phạm. Muốn vậy, một trong những giải pháp khả thi là quan tâm chăm lo cho đội ngũ GV hiện tại bằng chế độ, chính sách thiết thực để các thầy, cô không phải tất bật lo chuyện "cơm áo, gạo tiền" trong cuộc sống thường nhật. "Làm sao để học sinh, sinh viên thấy việc dạy học là vinh quang, cao quý, nơi người giỏi được khẳng định mình và ghi nhận", PGS Trần Xuân Nhĩ đặt vấn đề.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định sẽ không đồng bộ nếu hệ thống phổ thông đang tích cực đổi mới phương pháp, nhưng đào tạo GV không đổi mới kịp. Hai hệ thống không "ăn khớp" sẽ ảnh hưởng đến quá trình chung. Từ đó, Bộ trưởng mong các trường đào tạo GV đặt thành trọng tâm trong việc với đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp, làm nhân tố thúc đẩy đổi mới giáo dục phổ thông theo chiều sâu. Như vậy, không chỉ đáp ứng cung cấp đủ GV cho các môn học mà còn cần đổi mới để có được GV đáp ứng yêu cầu cao trong thời gian tới.
Tinh thần của năm 2024: "Bản lĩnh - thực tiễn - chất lượng - lan tỏa"
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đặt ra, chúng tôi mong muốn toàn ngành sẽ cùng bước vào năm 2024 với tinh thần "Bản lĩnh - thực tiễn - chất lượng - lan tỏa".
Việc đổi mới không bao giờ là dễ dàng và luôn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều nhau, đòi hỏi ngành giáo dục phải thể hiện được bản lĩnh, sự nhất quán để xã hội đặt niềm tin. Tuy vậy, trong thời kỳ đổi mới, chuyển đổi, cũng phải lắng nghe thực tiễn, quan sát thực tiễn để có những điều chỉnh chính sách kịp thời, phù hợp.
Bên cạnh đó, đối với các bậc học, dù khối lượng công việc nhiều, áp lực lớn nhưng luôn phải lấy yếu tố chất lượng làm thước đo. Và trong quá trình đổi mới, những yếu tố mới, tinh thần mới, giá trị mới phải được lan tỏa rộng rãi để xã hội chia sẻ, đồng thuận.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn
Bình luận (0)