Năm 2024, thách thức nào đang chờ đợi Ukraine?

Năm 2024, thách thức nào đang chờ đợi Ukraine?

La Vi
La Vi
24/12/2023 09:26 GMT+7

Cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2 đã trải qua hơn 21 tháng, giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở Ukraine và chưa có hồi kết.

Người Ukraine từng hy vọng năm 2023 sẽ là năm nước này giành lại được lãnh thổ từ tay Nga. Nhưng tiền tuyến hầu như không xê dịch.

Phóng viên trưởng hãng tin Reuters tại Ukraine, Thomas Balmforth, cho biết: “Bài học chính của năm có lẽ là việc không có nhiều lợi thế cho cả hai bên trong cuộc chiến".

Xung đột ở Ukraine đã gây thương vong hàng trăm nghìn người, phá hủy nhiều thành phố và làng mạc, và buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Cuộc phản công được nhiều người mong đợi của Kyiv cho đến nay vẫn chưa thể xuyên thủng các tuyến phòng thủ của Nga ở phía nam và phía đông.

"Nga kiểm soát khoảng 17,5% lãnh thổ Ukraine. Các lực lượng Nga đang nối lại cuộc tấn công ở phía đông và họ đang gây áp lực lên thị trấn Avdiivka. Nhiều binh sĩ Ukraine đã kiệt sức và nhiều người trong số họ sẽ chiến đấu tại đây gần 2 năm rồi. Tổng tư lệnh Ukraine đã mô tả cuộc chiến này đang bế tắc. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bác bỏ điều này, nhưng thực sự rất khó tưởng tượng rằng một trong hai bên có thể nhanh chóng tạo ra bước đột phá và nhanh chóng xoay chuyển tình thế trên chiến trường", ông Balmforth nhận định.

Năm 2024, thách thức nào đang chờ đợi Ukraine?- Ảnh 1.

Một binh sĩ thuộc Lữ đoàn pháo binh 55 Ukraine chuẩn bị khai hỏa về phía vị trí của Nga gần thị trấn Avdiivka ở vùng Donetsk, Ukraine

REUTERS

Người Ukraine biết rằng họ phải đảm bảo phương Tây duy trì viện trợ quân sự để tiếp tục chiến đấu và điều đó sẽ khó khăn hơn khi cuộc chiến ở Gaza làm phân tâm sự chú ý của thế giới.

Ông Balmforth cho biết: "Rõ ràng là phương Tây đang ngày càng mệt mỏi về vấn đề cung cấp quân sự và các viện trợ khác cho Ukraine. Nhà Trắng đã yêu cầu Quốc hội phê duyệt chương trình hỗ trợ trị giá khoảng 60 tỉ USD cho Ukraine cho năm tới. Tại thời điểm này thì [gói viện trợ] chưa được phê chuẩn".

Trong khi đó ở châu Âu, đề xuất viện trợ quân sự trị giá 20 tỉ euro trong 4 năm cũng vấp phải sự phản đối từ một số thành viên khối.

Một số người Ukraine tin rằng nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin sẽ tận dụng khoảng thời gian tạm ngừng giao tranh để xây dựng thêm hệ thống phòng thủ và củng cố quân đội Nga cho một cuộc tấn công mới.

"Nga dự kiến sẽ tổ chức một cuộc bầu cử vào tháng 3, được cho là sẽ trao cho ông Vladimir Putin thêm 6 năm nắm quyền ở Điện Kremlin. Một số nhà quan sát cho rằng ông ấy có thể cảm thấy không còn nhiều hạn chế sau cuộc bầu cử đó để leo thang xung đột. Điều đó có thể bao gồm huy động thêm người vào quân đội, ông ấy cũng có thể quyết định đầu tư nhiều công sức hơn nữa vào ngành công nghiệp quốc phòng ở Nga”, ông Balmforth nói.

Sự căng thẳng của xung đột có thể đè nặng lên cuộc sống hàng ngày của người Ukraine. Đối với nhiều người trong số họ, mệt mỏi vì chiến sự đã trở thành một phần trong cuộc sống.

Ông Balmforth cho biết: "Tôi đã nói chuyện với một người sơ tán từ vùng Kherson, Oleksii. Anh ấy đã rời khỏi quê hương Kherson vào tháng 4.2022 khi Nga còn kiểm soát nơi đó. Anh ấy hiện đang sống ở Kyiv và không có kế hoạch trở về nhà ở Kherson vì lo sợ rằng khu vực này vẫn bị pháo kích và như vậy là quá nguy hiểm. Tôi nghĩ có nhiều sự thất vọng, rất nhiều mệt mỏi và cũng có cảm giác rằng sẽ còn rất lâu nữa cho đến khi mọi thứ trở lại bình thường".

"Hiện tại, nếu mọi thứ vẫn như cũ, có vẻ như lực lượng Nga không muốn đàm phán hòa bình. Bản thân người Ukraine, quan điểm của họ là họ muốn giành lại toàn bộ lãnh thổ, và lập trường của họ là các cuộc hòa đàm không thể diễn ra cho đến khi Nga rời khỏi lãnh thổ của họ. Thực sự có vẻ như cả hai bên đều chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình, và do đó, có vẻ như chiến sự sẽ không sớm kết thúc", ông Balmforth nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.