Sáng 22.10, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã báo cáo Quốc hội về ngân sách Nhà nước.
Theo đó, tổng thu ngân sách năm 2024, dự toán thu là 1,79 triệu tỉ đồng, cả năm thực hiện 1,87 triệu tỉ đồng, vượt 172.300 tỉ đồng, tăng 10,1% so với dự toán, đạt tỷ lệ huy động vào ngân sách là 16,5%. Trong đó từ phí và thuế là 13,1% GDP.
Các lĩnh vực thu ngân sách đạt và vượt dự toán. Gồm thu nội địa là 1,57 triệu tỉ đồng, vượt 8,9%; thu dầu thô 59.300 tỉ đồng, vượt 28,9% so với dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 235.200 tỉ đồng, vượt 15,3% so với dự toán.
Dự kiến 52 địa phương thu đạt và vượt dự toán, 11 địa phương thu không đạt dự toán. Không kể thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết, có 8 địa phương dự kiến giảm thu. Số thu thuế phí và tiền thuê đất, miễn giảm gia hạn phí, lệ phí là gần 189.600 tỉ đồng, giúp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Về chi ngân sách, dự toán 2,119 triệu tỉ đồng, thực hiện 9 tháng đạt 59,3%, ước cả năm đạt 2,280 triệu tỉ đồng, tăng 7,7% so với dự toán. Dự toán bội chi ngân sách Nhà nước năm 2024 là 399.400 tỉ đồng, ước bội chi cả năm 389.400 tỉ đồng, giảm 10.000 tỉ đồng so với dự toán do giảm chi nguồn vay ngân sách T.Ư.
Về dự toán Nhà nước và phân bổ năm 2025, dự toán là 1,96 triệu tỉ đồng, tăng 15,6% so với năm 2024. Tỷ lệ huy động vào ngân sách bằng 16% GDP, trong đó dự toán thu nội địa là 1,6 triệu tỉ đồng, bằng 85% tổng thu, tăng 6,1%. Mức dự toán nêu trên được đánh giá tích cực trong bối cảnh kinh tế xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức.
Dự toán bội chi ngân sách là 471.500 tỉ đồng, tương đương 3,8% GDP; cuối năm 2025 tỷ lệ nợ công là 36 - 37% GDP, nợ Chính phủ là 34 - 35% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Về phương án phân bổ, sẽ đảm bảo nguyên tắc ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ở mức tích cực. Chi trả nợ đầy đủ đúng hạn, dự trữ quốc gia hợp lý để xử lý việc cấp bách, phát sinh.
Bố trí đủ chi trả lương cho khu vực công, lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi cho người có công, chi trả an sinh xã hội. Bố trí chi thường xuyên, triệt để tiết kiệm, ưu tiên an ninh quốc phòng, như tổ chức đại hội đảng các cấp; bố trí kinh phí cho đơn vị đặc thù…
Cũng theo ông Phớc, năm 2025, ngoài tiết kiệm chi 10% để đảm bảo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, đề nghị các bộ ngành, cơ quan T.Ư tiết kiệm thêm chi thường xuyên 10% để giảm bội chi ngân sách và tăng chi các nhiệm vụ cần thiết phát sinh và bổ sung tăng chi công.
Ngoài ra, năm 2025 để đảm bảo chi trả tiền lương cho khu vực công, ngoài vốn cân đối từ nguồn ngân sách, dự kiến sử dụng 110.000 tỉ đồng từ nguồn tích lũy tiền lương. Theo đó, dự toán chi ngân sách là 2,55 triệu tỉ đồng.
Dự toán thu ngân sách còn rủi ro
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng nêu những khó khăn, dự toán thu ngân sách còn rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, thị trường bất động sản chưa phục hồi, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm…
Cạnh đó, áp lực cân đối chi lớn, nhất là cân đối chi cho các công trình hạ tầng quan trọng, cấp bách. Nhiều bộ ngành, địa phương phản ánh tiết kiệm chi thường xuyên hàng năm nhiều, dẫn đến khó khăn trong thực hiện.
Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ đề xuất trong năm 2025 chưa xem xét tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công. Trong điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục báo cáo các cấp có thẩm quyền rà soát xử lý bất cập một số đối tượng ngành nghề như y tế, giáo dục.
Bên cạnh đó, mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy dành cho cải cách tiền lương của ngân sách T.Ư, ngân sách địa phương để điều chỉnh một số chính sách về lương hưu, trợ cấp, an sinh xã hội, tinh giản biên chế…
Chính phủ cũng kiến nghị cho phép một số địa phương có nguồn cải cách tiền lương lớn được sử dụng để đầu tư một số dự án lớn kết nối vùng, kết nối quốc gia trong trường hợp địa phương cam kết đảm bảo nguồn cải cách tiền lương theo đúng lộ trình, không đề nghị ngân sách T.Ư hỗ trợ.
Sử dụng một phần quỹ tích lũy tiền lương của T.Ư và địa phương còn dư, tổng hợp báo cáo ngân sách 2025 để bố trí đủ mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng cho các bộ ngành T.Ư và địa phương.
Thẩm tra về nội dung này, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, cho biết cơ bản nhất trí phương án Chính phủ trình Quốc hội, như năm 2025 hạn chế tối đa các chính sách giảm nguồn thu; chưa xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tăng lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp…
Quốc hội cũng thống nhất dự kiến kế hoạch đầu tư công là hơn 790.000 tỉ đồng, rà soát danh mục dự án cụ thể để bố trí hợp lý, tránh chuyển nguồn sang năm sau quá lớn… Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý các địa phương dự kiến giảm thu cần rà soát, cân đối để đảm bảo kế hoạch dự toán ngân sách.
Bình luận (0)