Tăng lương, phụ cấp, miễn học phí cho con nhà giáo

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/10/2024 06:26 GMT+7

Ngày 8.10, tiếp tục phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 với dự án luật Nhà giáo dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 8 sắp tới.

Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) và thẩm tra sơ bộ của các ủy ban QH với dự án luật nhà giáo, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay về chính sách đối với nhà giáo, dự thảo luật đã rà soát kỹ lưỡng để vừa đảm bảo có đột phá, vừa phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương thời gian tới.

Tăng chi ngân sách hơn 20.000 tỉ đồng/NĂM

Trong dự thảo, Chính phủ đề xuất nhiều quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp cũng như chính sách hỗ trợ đối với nhà giáo, tức những người giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, từ mầm non tới đại học. Theo đó, dự thảo quy định lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất; nhà giáo xếp lương lần đầu được tăng một bậc trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Cùng đó, tăng phụ cấp ưu đãi của nhà giáo thêm 10% với cấp mầm non và thêm 5% với cấp tiểu học.

Tăng lương, phụ cấp, miễn học phí cho con nhà giáo- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

Về chính sách hỗ trợ, dự thảo đề xuất miễn học phí cho con đẻ, con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác. Cùng đó, giáo viên mầm non, hoặc giáo viên ở trường lớp dành cho người khuyết tật có thể nghỉ hưu sớm 5 năm và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Với các chính sách đề xuất, Chính phủ cũng cho biết nếu thực hiện sẽ làm tăng chi phí ngân sách khoảng hơn 20.000 tỉ đồng mỗi năm. Trong đó, với chính sách miễn học phí cho con của nhà giáo từ mầm non đến đại học, hằng năm ngân sách nhà nước phải cấp chi trả thêm 9.212,1 tỉ đồng.

Có nên miễn học phí cho con nhà giáo?

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho rằng đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo từ mầm non đến đại học là nhân văn, song chính sách này chỉ có thể áp dụng tại các trường công lập chứ trường ngoài công lập thì không thể áp dụng được. Ngay cả trong trường công lập thì cũng "nhạy cảm". "Chế độ đặc thù thì được, nhưng đặc quyền, đặc lợi thì không nên", ông Định nêu quan điểm.

Tương tự, với đề xuất cho giáo viên mầm non nghỉ hưu trước 5 năm và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi, ông Định lo ngại sẽ tạo mâu thuẫn với luật Bảo hiểm xã hội vừa được QH thông qua. Ông cho rằng có thể nghiên cứu chính sách khác để hỗ trợ đối tượng này chứ không nên quy định vấn đề này vào luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị tờ trình của Chính phủ cần lý giải đầy đủ hơn, lập luận cho thuyết phục. Ông Tùng dẫn chứng dự thảo luật đang đề xuất giữ lại rất nhiều khoản phụ cấp cho nhà giáo, trong khi Nghị quyết số 27 của T.Ư về cải cách chính sách tiền lương yêu cầu rà soát, sắp xếp chế độ phụ cấp.

Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng việc miễn học phí cho con nhà giáo đang trong thời gian công tác chỉ áp dụng được trong các trường công lập, rất khó áp dụng với cơ sở tư thục. Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ. Đồng thời cần làm rõ các điều kiện đảm bảo cho các chính sách tiền lương, phụ cấp và chính sách hỗ trợ với nhà giáo.

Chủ tịch QH dẫn chứng, theo báo cáo của Chính phủ thì chỉ riêng chính sách miễn học phí cho con nhà giáo mỗi năm cần 9.200 tỉ đồng. "Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào để chúng ta bố trí chi hằng năm. Phải đánh giá kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi, cũng như tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác", Chủ tịch QH nêu.

Nhấn mạnh đây là dự luật khó, phạm vi tác động lớn, nhiều nội dung phức tạp, Chủ tịch QH đề nghị các cơ quan thận trọng, kỹ lưỡng.

Lo ngại khả năng giải ngân của chương trình phát triển văn hóa

Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (chương trình). Chương trình có tổng vốn đầu tư giai đoạn 2025 - 2030 là 122.250 tỉ đồng; giai đoạn 2031 - 2035 là 134.000 tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư cả hai giai đoạn là hơn 256.000 tỉ đồng.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết ủy ban này lo lắng về tổng mức đầu tư của chương trình rất lớn. Vì thực tế khả năng giải ngân trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia trước đây là "rất khó khăn".

Về vấn đề này, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tính toán khả năng bố trí, huy động nguồn vốn của chương trình, đặt trong tổng thể đầu tư công trung hạn 2025 - 2030, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.