Năm 2030 Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á

30/12/2023 12:19 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, năm 2030, Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á.

Ngày 29.12, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 1727/ QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030 Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á, năm 2045 Lâm Đồng trở thành TP trực thuộc Trung ương.

Năm 2030 Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á - Ảnh 1.

Năm 2030 Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á

LÂM VIÊN

Theo quy hoạch được duyệt, mục tiêu đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng TP.Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo. Đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

Phương án quy hoạch phát triển các đô thị gắn với động lực của từng vùng theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2030 hệ thống đô thị của tỉnh gồm 17 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V.

Đáng chú ý, phương án tổ chức hoạt động kinh tế, xã hội có 3 tiểu vùng động lực. Cụ thể, tiểu vùng 1 gắn với cao nguyên Lang Biang, bao gồm: Đà Lạt (sáp nhập Lạc Dương) - Đức Trọng - Đơn Dương - Lâm Hà (thị trấn Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà). Đây là vùng trọng điểm, có vai trò là khu vực động lực phát triển của tỉnh, là trung tâm du lịch cao cấp quốc gia có ý nghĩa quốc tế. TP.Đà Lạt là hạt nhân của vùng. H.Đức Trọng san sẻ chức năng trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh với TP.Đà Lạt.

Năm 2030 Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á - Ảnh 2.

Trung tâm TP.Đà Lạt nhìn từ trên cao

LÂM VIÊN

Tiểu vùng 2 gắn với cao nguyên Di Linh bao gồm: Di Linh - Đam Rông, Lâm Hà (thị trấn Đinh Văn, xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Văn, Tân Hà, Liên Hà, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Tân Thanh). Trong đó, thị trấn Di Linh là hạt nhân của vùng. Đây là vùng sản xuất cây công nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch; trong đó đô thị Di Linh là trung tâm của vùng.

Tiểu vùng 3 gắn với cao nguyên Bảo Lộc bao gồm: Bảo Lộc - Bảo Lâm- Đạ Huoai mới (Đạ Huoai - Đạ Tẻh - Cát Tiên hiện hữu). Trong đó TP.Bảo Lộc là hạt nhân của tiểu vùng. Đây là tiểu vùng kinh tế động lực phía Tây Nam tỉnh, là đầu mối kết nối phát triển kinh tế - xã hội với các huyện trong tỉnh, khu vực Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây nguyên và cả nước.

Năm 2030 Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch của khu vực Đông Nam Á - Ảnh 3.

Lâm Đồng đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn

LÂM VIÊN

Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn; phát triển không gian đô thị hiệu quả, bền vững, hình thành các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, phát triển đô thị mới gắn với động lực, tiềm năng, thế mạnh từng vùng với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch.

Ngoài ra, phát triển mạnh giáo dục, y tế và khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, theo hướng hiện đại; nâng cao vai trò văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.