Nam bệnh nhân tử vong do bệnh dại sau 2 tháng tham gia giết mổ chó

27/10/2022 08:30 GMT+7

Hà Nội vừa ghi nhận ca tử vong do bệnh dại là bệnh nhân nam 50 tuổi. Khoảng 2 tháng trước khi phát bệnh, bệnh nhân này có tham gia giết mổ chó.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại tại H.Mê Linh.

Người tử vong là nam (50 tuổi, ở xã Vạn Yên). Theo điều tra dịch tễ, trong vòng 2 tháng khi nhập viện, bệnh nhân có tham gia giết mổ chó cùng một số người họ hàng trong thôn nhưng không rõ có bị cắn hoặc có vết xước khi mổ chó hay không.

Người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi; phải rọ mõm chó khi cho ra đường

LÊ CẦM

2 con chó mà bệnh nhân tham gia giết mổ đều khỏe mạnh, không được tiêm phòng. Bản thân bệnh nhân cũng chưa tiêm vắc xin phòng dại.

Vài ngày trước nhập viện, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau đầu, sốt, mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng kèm cảm giác khó thở nên vào Bệnh viện đa khoa H.Mê Linh khám, được test cúm B dương tính.

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bệnh nhân có tình trạng kích thích, nói nhảm, không hợp tác, ngoài ra còn có sợ lạnh, sợ nước. Nghi ngờ người bệnh mắc bệnh dại, Bệnh viện Mê Linh đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, vật vã, nôn khan nhiều, tim loạn nhịp, co thắt khi uống nước hoặc quạt gió. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Do quá nặng, bệnh nhân đã tử vong. Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xác định bệnh nhân dương tính vi rút dại.

Ngay sau khi bệnh nhân N.V.T tử vong, Trung tâm Y tế H.Mê Linh đã phối hợp trạm y tế xã cùng các ban ngành địa phương phun xịt Cloramin B tại khuôn viên gia đình bệnh nhân; tiếp tục cấp Cloramin B cho gia đình vệ sinh nhà cửa, lau sàn nhà, nhà vệ sinh, vật dụng sinh hoạt trong 1 tuần. Trạm y tế cũng tiến hành lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và vận động đi tiêm ngừa vắc xin dại theo quy định của Bộ Y tế.

Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại định kỳ theo khuyến cáo của ngành thú y để phòng, chống bệnh dại. Ngoài ra, không thả rông chó mèo, phải đeo rọ mõm chó mèo khi cho ra đường; không đùa nghịch, trêu chó mèo.

Thực hiện diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc dại trong khu vực ổ dịch. Đặc biệt, người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào da tổn thương hoặc niêm mạc cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng dại.

Ở Việt Nam, chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu, chiếm 96 - 97%, sau đó là mèo (3 - 4%). Động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được có vi rút dại.

Nguồn truyền bệnh dại nhiều nhất là chó, sau đó là mèo. Thời gian ủ bệnh dại ở người thường từ 2 - 8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài có thể kéo dài hơn 1 năm.

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh T.Ư thì thời gian ủ bệnh ngắn.

(Bộ Y tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.