Trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ dài 5 ngày, Nam bộ có nắng nóng diện rộng, trong đó các tỉnh Đông Nam bộ chịu nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất dao động từ 35 - 38oC, riêng Biên Hòa (Đồng Nai) là 38,7oC.
Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho hay, nguyên nhân nắng nóng hôm qua ở Nam bộ là do rãnh áp thấp có trục 25 - 28 độ vĩ bắc nối với vùng áp thấp nóng phía tây mở rộng về phía đông nam. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Nam Trung bộ hoạt động mạnh.
Từ 24 – 48 giờ tới, dự báo nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng trên khu vực Nam bộ, Đông Nam bộ có nơi nắng nóng gay gắt (riêng ngày 4.5 nắng nóng giảm nhẹ). Nhiệt độ cao nhất từ 24 – 48 giờ tới dao động từ 35 – 37oC, có nơi trên 37oC. Thời gian nắng nóng trong ngày từ khoảng 12 – 16 giờ.
Tại TP.HCM, theo số liệu ghi nhận, nhiệt độ cao nhất tại trạm Nhà Bè là 36oC, nhưng chỉ cần đi ngoài trời khoảng 15 phút là ướt sũng mồ hôi. Trong những căn nhà có diện tích khiêm tốn, mái tôn, người dân lại càng cảm thấy hầm hập, oi ả từ sáng tới chiều tối.
Lý giải điều này, ông Lê Đình Quyết cho biết phía bắc có rãnh áp thấp, mà rãnh này bị nén xuống phía nam. Do vậy thời tiết vừa chịu ảnh hưởng trên cao áp cao cận hoạt động mạnh, vừa chịu ảnh hưởng từ rãnh thấp bị nén xuống. Nhiệt độ cũng không chỉ cao lúc chiều, mà nắng kéo tới chiều tối, gió yếu, nên cảm giác oi bức. Cũng cần nói thêm, khi nhiệt độ ban ngày ở ngưỡng 37 – 38oC thì ở đâu người dân cũng sẽ cảm thấy nóng bức như vậy.
Chạy xe giữa trời nắng gay gắt ở TP.HCM: ‘Tắc đường là ngồi khóc luôn’
"Với những người làm việc trong môi trường mát mẻ, có máy lạnh quen thì tiết trời này càng cảm thấy bức bối. Nhìn chung, đợt này nhiệt độ khá cao. Nếu đo ngoài trời, tại sân bê tông vào buổi trưa tại TP.HCM, thì nhiệt độ cao nhất có khả năng lên 39 – 40oC vì có nhiều yếu tố khác cộng hưởng như: nhiệt bức xạ từ sân bê tông, nhiệt tỏa ra từ phương tiện giao thông, máy lạnh các tòa cao ốc,…", Phó trưởng phòng Dự báo giải thích.
Bên cạnh đó, ông Quyết cũng cho rằng, cảm giác nắng nóng cũng một phần do vị trí, cảnh vật xung quanh. Theo đó, nếu xung quanh thông thoáng, có luồng gió thì đỡ hơn, còn nơi nào có phản xạ từ bê tông, từ nhà cao tầng có nhiều kiếng phản chiếu các tia ánh sáng mặt trời xuống đúng nhà thì cũng góp phần gia tăng nhiệt độ, tạo cảm giác oi bức.
Theo dự báo, từ ngày 6 – 7.5, rãnh áp thấp có trục 25 - 28 độ vĩ bắc này bị nén, đẩy xuống phía Nam và đầy dần lên bởi áp cao lạnh lục địa tăng cường ở phía Bắc. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Trung Trung bộ hoạt động ổn định. Rãnh áp thấp xích đạo còn tác động yếu đến thời tiết khu vực trong ngày 5.5, sau đó suy yếu.
Từ ngày 5 – 6.5 trở đi, gió tây nam được thiết lập trên khu vực với cường độ yếu - trung bình và hoạt động ổn định dần.
Như vậy, phải từ sau ngày 8.5, TP.HCM cũng như Nam bộ nắng nóng mới giảm, mưa bắt đầu gia tăng. Tuy nhiên, trong tháng 5 vẫn tiếp tục có những ngày xuất hiện nắng nóng với mức nhiệt 35 – 36oC.
Cũng theo ông Quyết, mùa mưa mọi năm bắt đầu từ khoảng 10 – 15.5. Do đó, nếu mùa mưa đến trong khoảng này thì sẽ xấp xỉ trung bình nhiều năm, còn mùa mưa xuất hiện sau ngày 15.5 thì sẽ trễ hơn trung bình nhiều năm.
"Nhưng hiện gió tây nam đang được thiết lập, mấy ngày tới sẽ mạnh dần lên, rãnh áp thấp cũng mạnh lên, khi đó mùa mưa sẽ thể hiện rõ, có thể mùa mưa năm nay sẽ bắt đầu ở trong khoảng xấp xỉ trung bình nhiều năm", ông Quyết thông tin.
Nắng nóng gay gắt, người dân Hà Nội đổ ra công viên nước giải nhiệt
Bình luận (0)