Nam bộ phơi mình dưới nắng nóng kéo dài

Chí Nhân
Chí Nhân
24/02/2024 06:37 GMT+7

Đợt nắng nóng đã kéo dài suốt 14 ngày được dự báo sẽ tiếp tục thêm ít nhất 5 ngày nữa. Sự bất thường của đợt nắng nóng hiện nay khiến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân từ thành thị đến nông thôn bị đảo lộn.

Nhiệt độ cao kỷ lục, kéo dài bất thường

Ngày 23.2, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ phát thêm một bản tin cảnh báo nắng nóng lúc 8 giờ. Trước đó, mỗi ngày đơn vị này thường có 2 bản tin tương tự lúc 14 và 20 giờ. Việc gia tăng số lượng bản tin phần nào phản ánh mức độ nguy hiểm của nắng nóng mà người dân cần được biết.

Theo bản tin, ngày 22.2, nắng nóng diện rộng vẫn xảy ra ở các tỉnh miền Đông với mức nhiệt phổ biến 35 - 37 độ C; nhiệt độ cao nhất ghi nhận được lên đến 37,2 độ C ở Đồng Phú (Bình Phước). Đáng lo hơn, nắng nóng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và trong 24 - 48 giờ tiếp theo, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Đông và cục bộ ở các tỉnh miền Tây. Các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai có thể nắng nóng cục bộ trên 37 độ C. TP.HCM và các tỉnh biên giới Tây Nam nhiệt độ phổ biến 35 - 36 độ C. Thời gian nắng nóng kéo dài từ 12 - 16 giờ hằng ngày. Nắng nóng trên khu vực Nam bộ có khả năng tiếp tục kéo dài thêm 5 ngày nữa.

Người lao động nhọc nhằn mưu sinh trong nắng nóng bất thường đầu năm

Nam bộ phơi mình dưới nắng nóng kéo dài- Ảnh 1.

Người dân miền Nam hứng chịu nắng nóng

Nhật Thịnh

Th.S Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo (Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ), cho biết: Cứ nắng nóng 2 ngày liên tục trở lên được tính là một đợt. Đợt nắng nóng hiện tại có thời gian kéo dài hiếm gặp khi nó xuất hiện từ ngày 9.2 (ngày 30 Tết Nguyên đán) và kéo dài liên tục đến nay đã 14 ngày nhưng vẫn chưa kết thúc. Sự bất thường thứ hai là mức nhiệt cao nhất đo được lên tới 38 độ C, cũng là lịch sử trong tháng 2. Nếu so với 2 lần El Nino gần đây vào năm 2016 và 2020 thì tháng 2.2024, cường độ nắng nóng có phần gay gắt hơn. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận trong tháng 2.2016 và 2020 là 37 độ C thì năm nay lên đến 38 độ C. Có một điều trùng lặp là tính đến thời điểm này, nhiệt độ cao nhất trong tháng 2 của cả 3 năm kể trên đều ghi nhận được tại Biên Hòa (Đồng Nai). Như năm 2016, nắng nóng diện rộng xuất hiện từ ngày 20 - 24.1 và đợt 2 từ 29.1 - 5.2.

Thông thường từ trung tuần tháng 2, Nam bộ sẽ bắt đầu xuất hiện nắng nóng một vài nơi tại các tỉnh miền Đông. Riêng những năm có El Nino nắng nóng sẽ đến sớm hơn. Đặc biệt những năm El Nino mạnh thì ngay từ tháng 12 nắng nóng đã bắt đầu xuất hiện và sang tháng 1 nắng nóng bắt đầu xuất hiện trên diện rộng. Ông Quyết dự báo: Năm nay nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt như những năm có El Nino mạnh gần đây. Sắp tới sẽ có những đợt nắng nóng diện rộng trên cả Nam bộ, thậm chí là nắng nóng gay gắt trong tháng 3 và 4.

Nam bộ phơi mình dưới nắng nóng kéo dài- Ảnh 2.

Nhật Thịnh

Người dân mệt mỏi, mùa màng thất thu

Chị Nguyễn Mai Ca, một nhân viên văn phòng ở Q.1, TP.HCM, chia sẻ từ sau tết đến nay chị chuyển qua đặt cơm trưa về ăn chứ không dám ra đường vì nắng nóng. Tính ra, mỗi lần như vậy tốn thêm mười mấy ngàn đồng phí giao hàng. Chưa hết, tối hôm 22.2, khi tắm rửa chuẩn bị đi ngủ thì gặp sự cố mất điện. "Tôi sống ở một chung cư cũ khu vực bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh). Hệ thống điện cũ cộng với trời nóng nên mọi thiết bị điện đều được vận hành hết công suất. Sau tắm tôi bật máy sấy tóc thì xảy ra sự cố. Lúc đó đã hơn 11 giờ đêm nên không cầu cứu được ai, đành phải gồng mình chịu đựng đến sáng, dưới cái nóng hầm hập khiến cả nhà gần như vật vờ nguyên đêm. Mùa này, thương nhất là bọn trẻ con. Trường lớp thì cơ sở vật chất kém, sân trường ít cây xanh nên không có bóng râm. Con mình cả ngày gồng mình với nắng nóng ở trường đến tối về thấy vẻ mặt bơ phờ mệt mỏi", chị Mai Ca lo lắng.

Nắng nóng bất thường, kéo dài 14 ngày liên tiếp mà vẫn chưa dứt

Chị Nguyễn Ngọc Mai, ngụ Q.7, TP.HCM, than thở: Mỗi ngày chị đều phải vào trung tâm TP làm việc. Vì đường sá đông đúc, di chuyển chậm nên thời gian phơi mình dưới nắng kéo dài hơn. Đặc biệt nhiều tuyến đường thường xuyên kẹt xe và nhất là có nhiều nút giao thông, đèn đỏ đến 60 - 90 giây. "Mỗi khi gặp phải đèn đỏ thì đúng là còn hơn cực hình. Sáng nay (23.2) vừa mới chuẩn bị đi làm thì chung cư lại mất điện, chưa kịp thay quần áo thì mồ hôi mồ kê đã ướt hết người, chỉ muốn vào văn phòng sớm hơn để trốn nóng", chị kể.

Nam bộ phơi mình dưới nắng nóng kéo dài- Ảnh 3.

Nhật Thịnh

Góp chuyện, anh Trần Minh Tuấn, ngụ Q.11, nói nhà anh ở hướng tây nên 17 giờ mà nắng như 15 giờ. Mấy ngày trước, có anh tài xế xe công nghệ ngất xỉu ở trước chung cư lúc khoảng 15 giờ. May nhờ người dân tốt bụng gọi cấp cứu đưa vào viện, nguyên nhân là do kiệt sức vì làm việc nhiều giờ dưới trời nắng nóng. "Điều này cũng bình thường, vì những ngày qua mình nghỉ trưa ở văn phòng, trong máy lạnh mà khi thức dậy còn thường thấy đau đầu, mất tập trung trong công việc. Nghĩ thương cho người lao động chân tay", anh Tuấn nói.

Trong khi người dân thành phố vật vã vì nắng nóng thì nhiều nông dân ở ĐBSCL lại lo mùa màng thất thu. Ông Nguyễn Thành An ở xã Tân Tuyến (Tri Tôn, An Giang) cho biết ngày 27 tới sẽ thu hoạch lúa đông xuân trên diện tích 30 ha. Miếng ruộng này năng suất rất tốt nhưng 2 miếng còn lại phải hơn một tháng sau mới thu hoạch thì năng suất có nguy cơ giảm đáng kể. Nguyên nhân là lúa gieo sạ vào cuối tháng 11.2023, từ đó đến nay thời tiết bất lợi; ban ngày thì nắng nóng, đêm lạnh nên bệnh vàng lá phát triển mạnh. Bên cạnh đó các loại côn trùng hại lúa cũng có cơ hội sinh sôi phát triển mạnh như rầy nâu, bọ trĩ… Chính vì vậy mà lúa đông xuân muộn hiện tại phải tốn nhiều chi phí đầu tư hơn. Nắng nóng như hiện tại cũng sẽ ảnh hưởng đến năng suất.

Cùng chịu ảnh hưởng của thời tiết, ông Phan Hoàng Tân, ngụ ấp Mỹ Phú (xã Tân Phú, Châu Thành, Bến Tre), một nhà vườn trồng sầu riêng, cho biết: "Tôi có 4 miếng vườn, một trong số đó nằm ngoài khu vực ngăn mặn. Hiện tại độ mặn ở khu vực này đang là 0,1‰, trong khi đó cây sầu riêng chỉ chịu được độ mặn dưới 0,2‰ nên tôi đang rất lo lắng vì những mùa khô hạn trước kia xâm nhập mặn gay gắt, cây sầu riêng ở Bến Tre bị ảnh hưởng rất nặng nề, kéo dài nhiều năm. Để cứu vườn sầu riêng, chúng tôi phải khoan nước ngọt từ lòng đất tưới cây. Bên cạnh đó, phải chấp nhận giật bỏ cả trái non. Nắng nóng kéo dài cũng gây nên hiện tượng cháy lá làm cho sầu riêng chính vụ khó ra bông, còn vụ nghịch thì năng suất giảm đáng kể".

Dưới tác động của nắng nóng gay gắt và kéo dài suốt nhiều giờ mỗi ngày, người dân cần chú ý bảo vệ sức khỏe trước các hiện tượng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do cơ thể tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao. Bên cạnh đó, người dân cần lưu ý phòng chống các sự cố cháy nổ liên quan tới điện và đốt vàng mã cũng như phòng chống cháy rừng.

Th.S Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo (Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.