Chia sẻ với PV Thanh Niên, anh Phạm Thành Long (20 tuổi), người bị cho là “nam chính” trong clip, cho biết đang là ca sĩ tự do, sau vụ việc, anh bị hủy nhiều lịch diễn. Anh Long cũng cho biết, sau khi bị tung clip 'nóng' vu khống, anh không dám ra ngoài và mất đi nhiều mối quan hệ trong công việc.
“Tôi rất phẫn nộ về clip không đúng sự thật. Tôi là người của công chúng, đã bị hoãn và hủy rất nhiều lịch diễn, ảnh hưởng lớn đến công việc của tôi”, anh Long nói.
|
Báo công an điều tra
Trang cá nhân của anh Long cũng nhận nhiều lời mời kết bạn và những lời bình luận tiêu cực. “Có nhiều nick Facebook ảo vào bôi nhọ hình ảnh và danh dự của tôi. Tôi cũng muốn cơ quan chức năng xử lý những người đưa tin không đúng sự thật, theo quy định của pháp luật”, anh Long cho biết.
Trên trang cá nhân, anh Long chia sẻ: “Thông tin trang này đăng là bịa đặt và sai sự thật, em đã làm đơn và trình báo công an truy tố vụ việc này. Mong sự thật sẽ được sáng tỏ nhanh nhất. Yêu cầu tất cả page xóa bài và xin lỗi trên page nếu không sẽ nhờ luật sư vào cuộc và khởi tố”.
Dòng trạng thái của anh Long thu hút sự quan tâm, động viên của bạn bè, người thân. “Bạn ơi mở chia sẻ đi, tôi ủng hộ bạn, người ta làm thế này quá đáng quá”, tài khoản Đức Anh bình luận. “Anh cũng biết không phải em. Em cứ đối diện, không việc gì phải khóa Facebook em ơi”, tài khoản Truong Thanh Cong viết.
Vu khống có thể bị phạt 7 năm tù
Ngày 4.2, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP.Hà Nội xác nhận đơn vị tiếp nhận đơn trình báo từ bị hại về sự việc kể trên và đã chuyển hồ sơ về Công an Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) để làm rõ. Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng công an Q.Hoàn Kiếm, cho hay đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ và đang điều tra vụ việc để xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.
|
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), việc đăng tin bịa đặt lên mạng xã hội có hoặc không chủ đích đều vi phạm pháp luật, trái đạo đức và được nhiều đạo luật điều chỉnh như Hiến pháp, bộ luật Dân sự, bộ luật Hình sự, luật An ninh mạng... quy định. Tùy tính chất, mức độ hậu quả của hành vi có thể bị xử lý hành chính, bồi thường dân sự và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, trường hợp nêu trên có thể áp dụng điểm a khoản 1 điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP để phạt hành chính từ 100.000 - 300.000 đồng về hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác”.
Nghiêm trọng hơn, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống, quy định tại điều 156 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù giam.
Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, nạn nhân có quyền yêu cầu người tung tin sai sự thật xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Nếu không thể thỏa thuận dân sự thì nạn nhân có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền.
“Thời gian gần đây, việc người dân sử dụng mạng xã hội để đăng tin bịa đặt, hình ảnh giật gân để câu view, câu like, thậm chí nhằm xúc phạm người khác diễn ra khá phổ biến, do việc xử lý trên thực tế chưa được triệt để. Trường hợp của anh Long, fanpage đăng tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân chứ không đơn thuần câu like, view cho nên cơ quan chức năng cần sớm làm rõ, xử lý nghiêm để răn đe chung”, luật sư Tiền nói về clip 'nóng' vu khống anh Long.
Bình luận (0)