Mua sắm tết nên 'thả ga' hay tiết kiệm? |
THƯỢNG HẢI |
Mỗi năm có một dịp tết nên hãy “thả ga”
Đã mua sắm tết từ khoảng 10 ngày trước, Trần Hoàng Anh (24 tuổi), ngụ tại 45 Tân Lập, P.Đông Hoà, TP.Dĩ An, Bình Dương, cho biết rất thoải mái khi chi tiêu mua sắm đồ ngày tết cho bản thân và gia đình.
Nhiều người trẻ đã bắt đầu chi tiêu mua sắm cho dịp tết |
THƯỢNG HẢI |
“Mình có ghé các cửa hàng để mua vài bộ quần áo mới tốn khoảng 2 triệu đồng và đến siêu thị để mua thêm vài món bánh mứt, quà tết, hoa trái và đồ trang trí tết lặt vặt để gửi về cho gia đình thì tốn thêm khoảng hơn 4 triệu đồng nữa. Ngoài ra, mình còn dành ra một khoản để đi chơi cùng bạn bè nên dự kiến tết này mình sẽ chi tầm hơn 10 triệu đồng để mua sắm đồ tết và sinh hoạt, vui chơi”, Hoàng Anh bày tỏ.
“Qua tết thì mình sẽ làm việc để kiếm lại, một năm chỉ có mỗi dịp tết thì mình phải xài cho ‘thả ga’ chứ. Với lại, đồ mình mua toàn là có mục đích, rất ổn với bản thân và gia đình chứ không phải phung phí”, Hoàng Anh bày tỏ.
Hiện tại, đang làm thêm với mức thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng nhưng Kiều Thị Thảo My (21 tuổi), ngụ tại 58 Tân Lập, P.Đông Hòa, TP.Dĩ An, Bình Dương, cho hay cô nàng để dành được bao nhiêu thì sẽ chi tiêu hết cho dịp tết.
Thảo My cho biết sẽ chi tiêu thoải mái dịp tết này và năm sau sẽ tập trung làm việc để có thể tự do mua sắm hơn |
NVCC |
“Mình thấy tết là dịp quan trọng nhất trong năm, cũng là lúc nghỉ ngơi và hãy tự thưởng cho bản thân sau một năm vất vả nên muốn dùng khoản tiền mình kiếm được để mua sắm tết và mình không tiếc tiền tiêu cho dịp này. Những tháng khác, mình vẫn có thể cố gắng tiết kiệm hơn”, Thảo My chia sẻ.
“Mua trong khoản tiền mình tự làm ra sẽ tốt hơn là xin tiền từ ba mẹ, mình sẽ cố gắng phấn đấu năm sau sẽ mua đồ cho cả nhà luôn. Vì năm nay, mình vẫn còn vướng nhiều deadline ở trường nên không đi làm thêm được nhiều”, cô nàng cho hay.
Tiết kiệm để phòng hờ cho bản thân
Trước khi mua sắm đồ tết, Lê Thanh Vy (22 tuổi), ngụ tại quốc lộ 13, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TP.HCM, đã lập một bảng danh sách những thứ cần mua, dù chưa mua đủ nhưng hiện tại Thanh Vy đã cảm thấy “đau ví”.
Thanh Vy đã lập một bảng danh sách trước khi mua sắm tết |
NVCC |
“Mức thu nhập của mình vào khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng nhưng mình đã chi gần hết 50% để mua quần áo, giày và một số mỹ phẩm. Và khoản đó mình vẫn chưa tính vào tiền lì xì ba mẹ, biếu ông bà với mua quà cho bạn bè, người yêu... nên chắc mình không dám sắm tết nữa và sẽ để dành một chút cho khoản tiết kiệm riêng”, Thanh Vy bày tỏ.
Thanh Vy cũng cho biết vào dịp tết nên mới tiêu nhiều như vậy chứ bình thường không dám bỏ ra nhiều như thế, nên dù vẫn chưa mua đủ theo danh sách đã lập nhưng Thanh Vy vẫn thấy như thế là ổn rồi.
Cũng đã mua cho mình một số loại mỹ phẩm và cùng mẹ mua thêm áo dài mặc đi chơi ngày tết, Nguyễn Thị Mai Trâm, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết mình đã chi khoảng 3 triệu đồng và chỉ tốn khoảng 1/10 số tiền bản thân tiết kiệm được.
Mai Trâm cho rằng nên chi tiêu vừa phải và để dành một khoản tiết kiệm cho bản thân |
NVCC |
“Mình thuộc tuýp người sẽ mua và sắm sửa tết trong khả năng của mình, phần còn lại sẽ để dành cho những việc khác. Và theo mình thì mua sắm đồ tết nhưng vẫn nên để dành một ít cho bản thân vì mình thấy tết cũng ngắn thôi, trong khi sau tết vẫn còn nhiều thứ để lo. Chẳng hạn nếu như lỡ… rớt môn thì lấy tiền tiết kiệm đóng phí học lại thay vì xin tiền ba mẹ cũng đỡ ngại hơn”, Mai Trâm bày tỏ.
Còn đối với Thanh Vy thì tùy vào mức thu nhập và mức tiêu dùng của bản thân mà mỗi người sẽ cân đo, đong đếm sử dụng tiền của mình để mua sắm tết sao cho hiệu quả. “Theo mình thì nên phân rõ việc cần chi tiêu mua sắm bao nhiêu và tiết kiệm bao nhiêu, nếu biết lập ngân sách tiết kiệm riêng cho tương lai thì càng tốt, vì có thể dùng vào lúc có chuyện không may xảy ra như bệnh tật, mất việc, sửa chữa đồ đạc…”, Thanh Vy nói.
Bình luận (0)