'Năm Covid', người Sài Gòn nửa đêm mua lá dong về gói bánh chưng ăn Tết

10/02/2021 11:33 GMT+7

Do ảnh hưởng dịch Covid-19 , người mua ít hơn mọi năm nhưng chợ lá dong Sài Gòn trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình) vẫn nhộn nhịp từ 20 tháng Chạp, nhiều người nửa đêm đi mua lá dong về gói bánh chưng ăn Tết.

Mỗi năm, cứ qua rằm tháng Chạp, khu chợ lá dong lại xuất hiện trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn gần ngã ba Ông Tạ (Q.Tân Bình, TP.HCM). Đây được mệnh danh là một trong những khu chợ lá dong nổi tiếng ở Sài Gòn vì chuyên cung cấp lá dong đủ nguồn gốc, chất lượng với đủ mức giá để phục vụ người dân TP gói bánh dịp Tết.

40 năm bán lá dong vỉa hè Sài Gòn

Bà Hoàng Thị Thu (quê Gia Kiệm, Đồng Nai) dù mới 47 tuổi nhưng đã có kinh nghiệm gần 40 năm bán lá dong ở trước trường tiểu học Tân Bình cùng chị gái của mình. Ngày thường bà lo bán buôn, nhưng cứ đến 15 tháng Chạp là lại bày biện lá dong ở góc đường để phục vụ bạn hàng.

Những người bán lá dong ở đây đều có thâm niên từ 20 năm trở lên

Ảnh: Độc Lập

Chợ lá dong Sài Gòn chuyên cung cấp lá dong đủ nguồn gốc xuất xứ và giá cả theo yêu cầu của từng khách

Ảnh: Độc Lập

Lá dong có giá từ 30.000, 50.000 hoặc 100.000, 120.000 đồng tùy chất lượng, kiểu dáng

Ảnh: Độc Lập

Quầy lá dong của bà Thu và chị gái là quầy có thâm niên lâu nhất và cũng là quầy đắt khách nhất tại đây. Vì có nhiều mối là các lò bánh, tiểu thương ở các chợ và cả khách lẻ nên mỗi ngày chị em bà bán được khoảng 200 thiên (1 thiên gồm 1.000 lá, mỗi bó 50 lá).
Theo bà Thu, ngày trước khu Gia Kiệm nhà nào cũng có bụi lá dong ở sau nhà, nhưng gần đây khu vực này quy hoạch nên lá dong trở nên khan hiếm. Để đủ hàng cung cấp cho khách, bà Thu phải nhập thêm lá dong Bà Điểm (Hóc Môn) và lá dong Bắc.
Bà nói: “Lá dong Bắc rất đẹp, gói bánh là tuyệt vời luôn, nhưng lá nhiều nên giá rẻ, dao động từ 30.000, 50.000 đồng đến 100.000 đồng/bó tùy chất lượng. Khách đến mua đông nhất là từ 22 giờ đến 2 giờ sáng, ngày nào cũng vậy, mà đêm 22 tháng Chạp luôn là cao điểm”.

Cảnh bán buôn tấp nập nhất từ 22 giờ đến 2 giờ sáng

Ảnh: Độc Lập

Quầy lá dong của chị em bà Thu là quầy đầu tiên tại khu vực Ngã ba Ông Tạ

Ảnh: Độc Lập

Ngoài lá dong, tại đây còn bán cả khuôn làm bánh và lạt (được chẻ từ ống giang) dùng để gói bánh

Ảnh: Độc Lập

Cạnh bên quầy của chị em bà Thu là quầy lá dong của bà Nguyễn Thị Kim Phụng (60 tuổi, ngụ Q.3). Từ thời 5-7 tuổi, bà Thu đã theo mẹ phụ bán lá dong ở chợ Cầu Muối nên hiểu về nguồn gốc, cách gói, cách bán.
Sau này, khi có gia đình riêng, bà được mẹ cho phép mở quầy bán riêng. Năm 2003 thì bà về bán tại khu vực Ngã ba Ông Tạ này. Đã thành thói quen, sau cả năm buôn bán với đủ món bánh mì, giải khát, bánh tráng trộn luân phiên, cứ 20 tháng Chạp, bà Phụng lại lấy lá dong về ngồi bán.
“Tôi người miền Nam nhưng trong Sài Gòn này nhiều người Bắc, bánh chưng là món không thể thiếu ngày Tết, cứ đến dịp là tôi phải bán, thành thói quen rồi. Cứ tới rằm tháng Chạp tôi sẽ liên lạc mối quen xong rồi đi giao hàng theo hẹn của họ, bán lẻ thì ngày 20 bắt đầu dọn ra đây”, bà Phụng kể.

Sáng 10.2: Quảng Ninh phát hiện thêm 4 ca dương tính Covid-19

Đủ tiền tiêu Tết

Bán lâu năm, bà Phụng cũng có nhiều mối quen là các lò bánh nhưng số lượng tiêu thụ cũng chỉ khoảng 20 thiên/ngày. Năm nay, do dịch bệnh nên bà bán chậm hơn năm ngoái, lá dong cũng không đẹp bằng năm ngoái vì năm vừa rồi có 1 tháng nhuận.

Ba thế hệ nhà bà Trắng cùng ra bán lá dong những ngày cuối tháng Chạp

Ảnh: Độc Lập

Lá dong năm nay lấy từ Hà Nội, Gia Kiệm, Bảo Lộc, Madagui,...

Ảnh: Độc Lập

Những đứa trẻ thích thú khi được ra chợ lá dong

Ảnh: Độc Lập

Bà bộc bạch: “Ngày nào tôi cũng ngồi bán 24/24 vậy đó, bán hết ngày 29 thì nghỉ. Thường người dân đi mua tối đông hơn, ban ngày chỉ bán lai rai thôi. Năm ngoái đông nhất là 22, 25, 26 tháng Chạp. Ủy ban cho bán ở đây, không tốn tiền mặt bằng chỉ cần chúng tôi dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Mỗi đợt xong tôi kiếm được năm, bảy triệu tiêu Tết, đủ lì xì cho con cháu, đi lễ chùa, tôi còn sức thì làm chứ con cháu làm công nhân tiền đâu ra”.
Chị ruột bà Phụng là bà Nguyễn Thị Kim Trắng (63 tuổi, ngụ Q.1) cũng ngồi bán riêng một quầy tại khu vực này. Bà Trắng được nhiều người gọi là “cựu trào” vì bán lâu năm và duyên bán đắt hàng.

Cảnh bán buôn tấp nập ở chợ lá dong lúc nửa đêm

Ảnh: Độc Lập

Đây cũng là điểm mua quen thuộc của những gia đình muốn tự gói bánh chưng ăn Tết

Ảnh: Độc Lập

Chợ lá dong Sài Gòn mở từ 15 đến 29 tháng Chạp, mở suốt 24/24, người bán ăn ngủ tại quầy. Sau mỗi mùa Tết, thường mỗi người bán kiếm đủ tiền tiêu Tết

Ảnh: Độc Lập

Hằng ngày, bà Trắng bán nước ở khu vực chợ Cầu Muối, đến tháng Chạp thì ra đi bán lá dong. Bán lâu năm, bà có nhiều khách quen, cứ tới lúc gói là gọi điện thoại để bà giao lá tận nơi. Thấy bà bán xuyên đêm cực khổ, con trai và cháu nhỏ ra bán phụ, bà nói nửa đùa nửa thật rằng sẽ tiếp tục truyền nghề cho con trai như cách mẹ đã truyền nghề cho bà.
Ông Phạm Hữu Thông (64 tuổi, ngụ Q.3) cho biết ông quê Hà Nội, năm nay dịch không về được nên ra đây mua lá về gói bánh. Ông dự định gói 40 bánh để cả nhà ăn Tết và biếu người quen nên mua lá và lạt sẵn.
Ông nói: “27 tháng Chạp tôi mới gói nhưng mua lá dong từ 23 về để rửa sạch, cột vào chân bàn ăn cho lá mềm, hơi héo nhưng đủ độ dẻo là gói bánh đẹp. Gói xong thì rửa sạch rồi ép 5-6 tiếng là để bao lâu cũng được. Tôi tự nắn khuôn bằng tay chứ không mua khuôn gỗ, người gốc Bắc nào cũng cso thể làm được và biết các bí quyết này nên cứ năm nào siêng thì mua lá về gói thôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.