Chính quyền triệu tập dân để thông báo… cắt nước sạch
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc San, Hội trưởng Hội nông dân xã Nghĩa Phong (H.Nghĩa Hưng, Nam Định), cho biết hôm 26.4 vừa qua, ông cùng 100 hộ dân sử dụng nước sạch trong xã đã tham gia một cuộc họp đột xuất do chính quyền xã gián tiếp triệu tập.
Vào họp, ông San mới được biết nội dung cuộc họp là về việc sắp tới, chính quyền H.Nghĩa Hưng sẽ tổ chức cắt đường ống nước sạch của Công ty TNHH Mai Thanh (Công ty Mai Thanh) vốn đang cung cấp cho các hộ dân ở khu vực này và đấu nối vào một đường ống tạm để giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện Dự án xây dựng công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ (Dự án WB6).
Những hộ dân sử dụng nước sạch do Công ty Mai Thanh cung cấp được triệu tập tham gia cuộc họp bất thường |
C.H |
Theo chính quyền, việc cung cấp nước sạch vì vậy có thể bị gián đoạn tạm thời nên người dân cần chuẩn bị các phương án sử dụng thay thế để không xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng.
Ông San cho biết, mình và 100 hộ dân đang là khách hàng sử dụng nước sạch của Công ty Mai Thanh có mặt trong cuộc họp hôm đó đã rất bất ngờ vì mọi người đang sử dụng nước sinh hoạt ổn định từ nhiều năm nay và nước có chất lượng tốt.
Nhiều người tỏ ý không đồng tình trước việc chính quyền triệu tập dân để thông báo cắt nước, phục vụ cho mục đích cưỡng chế doanh nghiệp.
“Nếu Công ty Mai Thanh ngừng cung cấp nước thì công ty phải thông báo với chúng tôi, chứ không phải chính quyền, bởi chúng tôi không ký (hợp đồng mua nước sinh hoạt - PV) với chính quyền. Nếu Công ty Mai Thanh không cấp nước theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng đã ký, chúng tôi sẽ kiện công ty”, ông San khẳng định.
Được biết, trong buổi họp hôm đó, gần 100 hộ dân đang sử dụng nước sạch tại xã Nghĩa Phong đều phản đối bằng cách không ký vào biên bản cuộc họp.
Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, hợp đồng cung cấp nước sạch giữa doanh nghiệp và người dân là một hợp đồng dân sự hợp pháp được hai bên giao kết một cách tự nguyện. Việc xác lập, thực hiện hay chấm dứt giao dịch phải do người dân và doanh nghiệp tự quyết. Chính quyền không có quyền can thiệp vào giao dịch này.
Luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội)
Chính quyền "quyết" cưỡng chế
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Công ty Mai Thanh, chủ đầu tư dự án Nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân (H.Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), cho rằng chính quyền H.Nghĩa Hưng chưa làm đúng các bước theo quy định của pháp luật về thu hồi đất, kiểm kê và GPMB nên Công ty Mai Thanh vẫn tiến hành cung cấp nước sinh hoạt bình thường cho các hộ dân trên địa bàn mà không ra thông báo gì về việc ngừng cấp nước.
Công trình kênh đào nối sông Đáy - Ninh Cơ thuộc dự án Phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc bộ (Dự án WB6) được khởi công đã cắt ngang tuyến ống nước sạch của Công ty Mai Thanh |
C.H |
Theo bà Thanh, nhà máy nước sạch Phú Mỹ Tân hoạt động từ năm 2015, đi vào vận hành năm 2017, cấp nước sinh hoạt cho 27.000 hộ dân thuộc 9/10 xã vùng nhiễm mặn của H.Nghĩa Hưng.
Tuy nhiên, năm 2020, Cụm công trình kênh đào nối sông Đáy - Ninh Cơ thuộc dự án Phát triển GTVT khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (dự án WB6) được khởi công đã cắt ngang tuyến ống nước sạch của Công ty Mai Thanh nhưng bà Thanh không hề được chính quyền thông báo về sự hiện diện của dự án này cho đến cuối năm 2019, khi UBND H.Nghĩa Hưng mời bà đến làm việc.
Tiếp nữa, UBND H.Nghĩa Hưng khi phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ cũng không hề đề cập đến công trình nước sạch của bà.
Phải đến ngày 16.6.2021, UBND H.Nghĩa Hưng mới có báo cáo và chính thức đề nghị UBND tỉnh Nam Định chấp thuận bổ sung công trình nước sạch vào hạng mục hoàn trả thuộc tiểu dự án GPMB.
Bà Thanh nêu ý kiến: “UBND H.Nghĩa Hưng sau đó đã ra quyết định phê duyệt thiết kế đi ngầm không đúng kỹ thuật; quyết định tổ chức đấu thầu khi dự án chưa đạt yêu cầu và hàng loạt những quyết định liên quan. Chúng tôi không đồng tình với những quyết định này nên công ty đã gửi đơn khiếu nại. Sau 3 lần gửi đơn khiếu nại nhưng không được giải quyết, đến lần gửi đơn thứ 4, UBND H.Nghĩa Hưng ra văn bản trả lời với nội dung giữ nguyên quan điểm giải quyết vụ việc của công ty”.
“Theo tôi, UBND H.Nghĩa Hưng đã cố ý không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, như vậy là vi phạm điểm C, khoản 2, Điều 41 Nghị định 124/2020 NĐ-CP Luật Khiếu nại”, bà Thanh nói.
Bà Thanh cho biết thêm, ngày 20.1, UBND H.Nghĩa Hưng đã tổ chức một hội nghị với Công ty Mai Thanh. Kết quả biên bản hội nghị phải sửa 6/8 vấn đề nhưng UBND H.Nghĩa Hưng vẫn chưa giải quyết hết các vấn đề tồn đọng tại biên bản hội nghị.
Đến ngày 8.3, UBND H.Nghĩa Hưng bất ngờ ra quyết định cưỡng chế nhằm thực hiện công trình hoàn trả đi ngầm đã phê duyệt trong khi chưa thực hiện kiểm đếm và làm đúng các bước theo quy định pháp luật.
“Thậm chí, tại cuộc đối thoại với Công ty Mai Thanh do UBND tỉnh Nam Định tổ chức ngày 29.4, bà Hà Lan Anh, Phó chủ tịch tỉnh cũng đã đồng ý ghi vào biên bản các yêu cầu của Công ty Mai Thanh và sau đó đến ngày 5.5 đã ra văn bản gửi đến Bộ GTVT xin ý kiến, bởi phương án bồi thường cho doanh nghiệp chưa giải quyết thấu đáo. Theo quy định, nếu chưa thống nhất được với doanh nghiệp về phương án bồi thường thì chưa được phép tiến hành cưỡng chế!”, bà Thanh khẳng định.
Thông tin trên được ông Dương Văn Thiệp, Trưởng phòng TNMT H.Nghĩa Hưng, xác nhận. Tuy nhiên cũng theo ông Thiệp, cũng trong ngày 5.5, chính bà Hà Lan Anh đã ký văn bản đồng ý với đề nghị của UBND H.Nghĩa Hưng về việc đấu nối đường ống dẫn nước tại thực địa khu vực xã Nghĩa Sơn và cưỡng chế tại nhà máy nước của Công ty Mai Thanh tại xóm 1 xã Nghĩa Sơn.
Tuy nhiên, Công ty Mai Thanh lại không nhận được văn bản thông báo này.
Trả lời câu hỏi về quy trình cưỡng chế đối với Công ty Mai Thanh liệu đã đúng quy định?, ông Thiệp cho biết: “Vấn đề này tôi chưa nắm rõ nên chưa thể trả lời vì tôi vừa nhận vị trí này được 3 tháng”.
Chính quyền địa phương có vi phạm pháp luật?
Theo luật sư Hà Thị Khuyên (thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), theo quy định tại điểm a, d, Khoản 1, Điều 69 về trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Công ty Mai Thanh là đơn vị có tài sản, công trình đang nằm trên đất thuộc khu vực triển khai dự án thì UBND cấp huyện phải gửi thông báo đến Công ty Mai Thanh để tiến hành kiểm đếm các đường ống, đo đạc chiều dài của đường ống… để có phương án bồi thường.
Việc chính quyền địa phương tiếp tục triển khai dự án Kênh đào nối sông Đáy - Ninh Cơ, mà không thông báo cho Công ty Mai Thanh biết; sau đó, khi công ty này đã biết nhưng vẫn chưa đồng tình với UBND H.Nghĩa Hưng về phương án bồi thường trong công tác GPMB mà UBND H.Nghĩa Hưng vẫn tiếp tục ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ đối với Công ty Mai Thanh thì hành vi này có dấu hiệu của việc vi phạm trình tự, thủ tục thu hồi đất, GPMB.
Nếu thực hiện tháo dỡ đường ống của doanh nghiệp trái quy định có dấu hiệu “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh trên quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, Công ty Mai Thanh có quyền khiếu nại hành chính, khởi kiện vụ án hành chính tại tòa, yêu cầu thực hiện đúng trình tự, thủ tục và bồi thường thiệt hại xảy ra cho doanh nghiệp và người dân.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, Công ty Mai Thanh đã làm đơn kêu cứu khẩn cấp gửi tới nhiều nơi, trong đó có Bộ GTVT về việc dự án nước sạch đang hoạt động trôi chảy nhiều năm của mình bị chính quyền “bỏ quên”.
Đáng chú ý, công ty này không đồng ý với phương án hoàn trả đường ống dẫn nước được phê duyệt cho đi ngầm dưới đáy kênh của chính quyền, do lo ngại những rủi ro tiềm ẩn về mặt kỹ thuật không thể khắc phục được của phương án này sẽ khiến nhiều người dân mất nước sạch trên diện rộng.
Bình luận (0)