Ngày 22.6, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Hồng Thái, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định, cho biết UBND tỉnh này vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất phương án đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định. Tờ trình được Sở GTVT tham mưu với UBND tỉnh.
Theo nội dung tờ trình, UBND tỉnh Nam Định kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép tỉnh lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định, giai đoạn 1 từ TP.Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đến TP.Nam Định (tỉnh Nam Định).
Kinh phí thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do UBND tỉnh Nam Định tự bố trí.
Phương án đầu tư dự kiến đầu tư công kết hợp giữa nguồn vốn đầu tư của Chính phủ ưu tiên cho các công trình trọng điểm quốc gia, nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án có chiều dài tuyến khoảng 25,1 km được đề xuất quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, làn dừng khẩn cấp 2 bên, đường song hành 2 bên.
Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định được UBND tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam cam kết tự bố trí ngân sách 2 tỉnh để thực hiện.
Cũng tại tờ trình, UBND tỉnh Nam Định kiến nghị Thủ tướng giao địa phương này làm cơ quan chủ quản triển khai Dự án xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Nam Định, Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định sẽ được thực hiện trên cơ sở tận dụng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp toàn bộ nền mặt đường tuyến QL21B đoạn từ TP.Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đến TP.Nam Định (tỉnh Nam Định) đã có. Tổng mức đầu tư dự án là khoảng 7.850 tỉ đồng.
Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, dự án sẽ được thực hiện từ năm 2025 đến năm 2028.
Đây là tờ trình thứ 2 trong vòng 3 tháng gần đây của UBND tỉnh Nam Định liên quan đến việc đầu tư tuyến cao tốc Hà Nam - Nam Định.
Trước đó, lần 1 UBND tỉnh Nam Định có tờ trình về dự án gửi Chính phủ, Chính phủ đã giao Bộ GTVT xem xét.
Theo Bộ GTVT nhận định, tờ trình của UBND tỉnh Nam Định có tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.400 tỉ đồng, suất đầu tư dự án lên tới 375 tỉ đồng/km, cao hơn nhiều so với suất đầu tư của tuyến đường cao tốc xây dựng mới được Bộ Xây dựng công bố (186,181 tỉ đồng/km). Quy mô dự án dự kiến 4 làn xe, nền đường rộng từ 24 m đến 48 m cũng lớn hơn quy mô tiêu chuẩn.
Do đó, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Nam Định rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn, giải pháp thiết kế, chi phí xây dựng theo quy định hiện hành, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả…
Sau khi nhận được công văn đề nghị của Bộ GTVT, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Sở GTVT xem xét và tham mưu. Quá trình xem xét, Sở GTVT tỉnh Nam Định đã điều chỉnh từ 5 cầu vượt trên đường cao tốc giảm xuống còn 2 cầu vượt. 3 điểm dự kiến làm cầu vượt sẽ thực hiện vượt tại đường phụ, không vượt trên đường cao tốc như phương án trong tờ trình trước đó…
Vì vậy, tổng mức đầu tư từ 9.400 tỉ đồng (tờ trình lần 1) giảm còn 7.850 tỉ đồng (tờ trình lần 2).
Tuyến QL21B, đoạn từ TP.Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đến TP.Nam Định (tỉnh Nam Định) đang có 1 trạm thu phí BOT.
Trạm thu phí sẽ hết hạn thu phí năm 2028. Tuy nhiên, tỉnh Nam Định sẽ đàm phán thanh lý hợp đồng vào năm 2025.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Hồng Thái, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định, cho biết tuyến cao tốc Hà Nam - Nam Định thực hiện theo phương án đầu tư công. Do đó, sẽ không có trạm thu phí được đặt trên tuyến đường này sau khi cao tốc đi vào sử dụng.
Bình luận (0)