Ngày 26.7, thông tin từ Công an tỉnh Nam Định, nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu đúng quy định của pháp luật, phòng Cảnh sát kinh tế công an tỉnh đã chủ động báo cáo giám đốc tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận chuyển, kinh doanh xăng dầu.
Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan như: hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, thuế... kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh bán lẻ xăng dầu để chủ động phát hiện các sai phạm, kịp thời xử lý.
Theo đó, qua theo dõi, kiểm tra, giám sát, lực lượng chức năng phát hiện một số đơn vị kinh doanh vi phạm, chuyển tải, sang mạn xăng dầu không đúng vị trí quy định; kinh doanh xăng dầu không đúng nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp; sử dụng người quản lý hoặc nhân viên trực tiếp kinh doanh dịch vụ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về bảo vệ môi trường; ghi biển hiệu không đầy đủ, không ghi tên thương nhân phân phối xăng dầu, cung cấp xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng; bán lẻ xăng dầu; mua xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối.
Từ năm 2020 đến nay, phòng Cảnh sát Kinh tế cùng các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt 4 vụ vi phạm hành chính đối với 4 công ty liên quan đến vi phạm về lĩnh vực xăng dầu, tổng phạt tiền 165 triệu đồng.
Thời gian tới, phòng Cảnh sát kinh tế tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các ngành chức năng giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu; nếu phát hiện hành vi vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; nhất là những vi phạm về sản xuất, buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng, không chấp hành đúng quy định của pháp luật về kiểm định, đo lường chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Nam Định đề nghị người dân và các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời tố giác đến cơ quan chức năng khi phát hiện cơ sở kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu vi phạm.
Pha chế xăng dầu nhưng không đăng ký bị phạt đến 60 triệu đồng
Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử.
Sửa đổi Điều 29 Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Cụ thể, phạt tiền từ 40-460 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Pha chế xăng dầu nhưng không đăng ký cơ sở pha chế; pha chế xăng dầu khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận; sử dụng giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu đã hết hiệu lực; sử dụng phụ gia không thông dụng và các chế phẩm để pha chế xăng dầu khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền; pha chế xăng dầu tại địa điểm không phải là nơi sản xuất, xưởng pha chế được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế xăng dầu.
Bình luận (0)