Chỉ nói đến chuyện thi tuyển đã đủ thấy chóng mặt.
Vài năm nay, năm nào cũng hết đổi mới lại mới... đổi, hết cải tiến lại điều chỉnh, đến chính những người trực tiếp làm công tác tuyển sinh ở các trường ĐH, trường THPT còn không theo kịp huống hồ học sinh.
Hết tách rồi nhập kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, xong “3 trong 1” lại chuyển thành “2 trong 1”. Cho đăng ký nguyện vọng trước khi thi tuyển sinh ĐH đổi thành sau khi biết kết quả mới được đăng ký; rồi trở lại được đăng ký trước, điều chỉnh sau khi biết kết quả thi!
Điều kiện đăng ký nguyện vọng cũng thay đổi xoành xoạch. Hết giới hạn trong từng trường lại mở rộng ra đến vô hạn. Số lượng môn thi cũng không chịu kém cạnh. Sau nhiều năm tuân thủ 4 môn thi tốt nghiệp, 3 môn thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì đến năm 2015 trở thành 8 môn, rồi năm 2017 “biến hóa” thành 5 bài thi (không còn gọi là môn thi nữa)...
Đâu đã hết! Tự luận xong rồi trắc nghiệm, môn riêng lẻ rồi tổ hợp môn. Khi thí sinh còn chưa quen với những khái niệm mới như bài thi tổ hợp, tổ hợp môn xét tuyển... thì Bộ GD-ĐT vừa mới lấy ý kiến thay đổi phương án thi năm 2018 về cách tính điểm bài thi tổ hợp.
Thi tuyển lớp 10, một kỳ thi mang tính địa phương cũng không chịu kém cạnh. Tại TP.HCM, năm 2017 phụ huynh và học sinh vừa méo mặt với đề thi toán ra theo kiểu mới thì đầu năm học này lại đón nhận thông tin sẽ tiếp tục đổi mới nữa theo hướng vận dụng thực tiễn, liên môn...
Các nhà quản lý giáo dục nói nghe có vẻ rất đơn giản rằng đây chỉ là những điều chỉnh về mặt kỹ thuật (chứ không phải thay đổi). Nhưng phải hiểu rằng chỉ cần điều chỉnh một chút về cách tính điểm bài thi tổ hợp là có thể không còn tồn tại các khối thi truyền thống mà suốt bao năm nay học sinh đã ôn để chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến.
Chỉ thay đổi cách ra đề thi mà kỳ thi lớp 10 của TP.HCM vừa rồi là gần 60% thí sinh dưới điểm trung bình môn toán. Vậy nên không lo sao được!
Đổi mới là điều cần thiết nhưng quan trọng là cần có lộ trình và thực hiện bài bản, khoa học và phải hỏi ý kiến của người học (vì người học là trung tâm), chứ không phải cứ xoay vòng thay đổi liên tục để rồi đôi khi lại quay về cái... cũ. Điều này không chỉ gây ra sự bất ổn định cho một nền giáo dục mà còn khiến học sinh, phụ huynh luôn bất an trước mỗi năm học mới.
Với các nhà quản lý giáo dục, một chút thay đổi có thể là đơn giản nhưng với xã hội thì không thể “đang giỡn” được.
Bình luận (0)