Xa hơn là hàng cá. Nhưng cá nhảy khỏi xô. Những con cá lóc trườn lổm ngổm trên đất. Cũng có những con co mình giật tung về phía trước. Chúng chặn cả lối đi. Nhưng mấy bà bán cá chẳng ơi hỡi gì. Ở Viễn Đông, cá có thể sống trên cạn thì phải.
Cái cảm giác kỳ lạ và đời thường lẫn lộn nhau này không hề giống với cảm giác ngây ngất bất thần nơi khu chợ Colombo. Thế giới nơi đó hồ như đã bị hoán đổi và biến dạng. Tôi đang lạc đến một hành tinh khác, dưới một ánh sáng khác.
Ở đây, thế giới bên ngoài không hề khó hiểu đối với khả năng quan sát và phân tích thường có của người Âu. Nó không đòi hỏi một sự kết nối thần bí nào. Bầu không khí không phải của lò ngục cũng chẳng phải của thần linh. Có những bầu trời xám xịt, nặng trĩu, gian trá. Nếu có thể say nắng, đó vẫn là một cơn say dưới vầng mặt trời luôn lẩn trốn.
Bán súp rong ở Sài Gòn năm 1921 qua ống kính Ludovic Crespin |
THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP |
Ở đây, những cây mít dường như đã thôi lớn. Ở chợ Colombo, những hạt đậu khổng lồ như nằm dài trước mắt tôi và những trái cây căng phồng muốn nứt. Ở đây con người nổi rõ mồn một, sắc sảo với những đường nét góc cạnh, khô khan và chuẩn xác tuyệt vời của loài côn trùng.
Những cô bán hàng phảng phất nét đài các của những nàng công chúa bé con vận áo dài đen. Những bà lão ngồi giữa đống xoài hoặc dừa, không khác gì con buôn đồ cổ chỉ chạm vào thứ đồ độc nhất. Những ông lão biểu trưng một sự già nua triệt để. Cái già nua dường như đóng băng, vĩnh cửu. Ông lão với những nếp nhăn chi chít kia… làm như sinh ra đã vậy. Tuổi già của ông khác xa tuổi già bên Âu châu, nơi mà người ta cảm thấy, nhìn thấy được sự rệu rã.
Tôi nghĩ tới những khu chợ trung tâm ở một thành phố lớn Âu châu. Tôi nghĩ đến những cô bán hàng đanh đá, ú nần, căng nõn. Tôi thấy lại những khúc dồi bằng ngón tay, thứ thịt sống như bột chua phải nhào nặn trong váy xống và áo ngực. Tôi nghĩ về những chàng thực dân và vợ chàng mà tôi vừa gặp trên phố. Bỗng nhiên tôi thấy một Âu châu bị mắc chứng phù voi. Ở nơi này bất cứ điều gì cũng làm tôi có cảm giác quý phái khác thường. Tôi xấu hổ về đôi tay và đôi chân Âu châu của mình. Niềm kiêu hãnh da trắng là đặc điểm nổi trội của hành khách mà tôi đã ghi nhận ở kẻ thực dân, niềm kiêu hãnh ấy sẽ bỏ rơi tôi, hoặc giả tôi chưa từng biết đến nó.
Tôi dừng chân ở hàng sành sứ chum vại chén bát, đồ dùng dành cho phu phen và người nhà quê. Những hình vẽ trang trí đẹp mắt, những chữ thảo màu lam đôi khi cắt nhau vuông góc tạo thành hai đường thẳng dứt khoát trên vật liệu đất nung hoặc thường uốn lượn và cuộn vào nhau thành nét vòng hoa mỹ, cho tới khi phủ hoàn toàn màu trắng hoặc là cách điệu, gợi tả một cái gì tựa như hoa, lá, thậm chí là rồng phượng.
Chợ Bến Thành năm 1921 qua ống kính Ludovic Crespin |
Những chiếc bát này là bát mà phu phen ngồi xổm ăn cơm trên phố. Kiều dân Âu châu và người An Nam Âu hóa rất coi thường loại chén bát này. Họ sính đồ bạc kiểu Louis XV và đĩa trang trí được bày bán trên phố Sentier hơn.
Tôi cúi xem hàng chồng đĩa bát bày trên đất. Tôi chọn… tôi chọn. Cuối cùng tôi đã chạm tới những thứ đẹp đẽ. Tôi cảm thấy được cứu rỗi, được gột rửa khỏi những thứ đồ Tàu, đồ Cam bày bán trên phố Catinat đậm chất trang trí của những dinh thự thuộc địa. Cô bán hàng, cô công chúa xa cách, vận áo dài, với đôi bàn tay uyển chuyển, thoáng nhìn tôi. Nàng mới nhỏ bé vời vợi làm sao! Nàng sống trong thế giới nào mà tôi chưa được biết?
Tôi chọn xong rồi, cô bán hàng vẫn đứng im, không màng động đậy, nhưng trên mặt nàng mở một nụ cười. Nàng biết vài chữ tiếng Pháp. Giọng nàng lanh lảnh vui tươi, pha giữa âm họng và âm mũi, rất mềm và những thanh âm trẻ thơ không có vẻ gượng gạo.
Một đứa trẻ phụ nàng, một đứa trẻ còm nhom đã giúp tôi mang mọi thứ về phòng khách sạn. Vài tháng sau, ở Paris, một bà đầm Tây chuyên sưu tập sakuma của Galeries Lafayette nói với tôi:
- Chán cho ông… ai đời lại mang về toàn là bát đĩa của người nghèo thế.
Tôi thường quay trở lại chợ. Tôi lang thang giữa những cô công chúa trẻ thơ bán xoài và chum lọ, các cô mặc áo đen và đeo vàng pha. Nụ cười đó, nụ cười hoàn hảo đó, khoảng cách đó và nét đáng yêu đó… Phải vượt qua bao nhiêu tầng lớp xã hội ở Âu châu để tìm thấy nàng. Hoặc chỉ có thể tìm thấy nàng bên ngoài mọi tầng lớp. (còn tiếp)
Nam kỳ ngao du
Bình luận