Nam kỳ ngao du: Sài Gòn, những hình ảnh đầu tiên

25/08/2022 06:43 GMT+7

Nhà văn Léon Werth (1878 - 1955) đến Sài Gòn năm 1925, ông quan sát và ghi chép lại những chuyện ở các thành phố thuộc địa tại VN, trong tác phẩm độc đáo có tên gọi Cochinchine: Voyages (Nam kỳ ngao du) từng xuất bản gây tiếng vang tại Pháp.

Trong tác phẩm kinh điển Hoàng tử bé, nhà văn Saint-Exupéry cũng đã có viết lời đề tặng Léon Werth ở đầu sách. Loạt bài này được trích từ chương Saigon trong tác phẩm Nam kỳ ngao du vừa được dịch giả Thư Nguyễn chuyển ngữ sắp ra mắt độc giả VN, dành riêng cho Thanh Niên.

Một ngày nọ anh [Paul Monin] từng nói với tôi: “Đi Viễn Đông nhé. Vừa hay có một chiếc tàu khởi hành vào ngày kia.” Tôi rất thích những chuyến đi. Dù lưỡng lự. Nhưng tôi vẫn ra đi.

Sài Gòn xưa nhìn từ bờ sông

Sông Đồng Nai uốn quanh. Con tàu bẻ lái. Khó tin rằng ta đang đi trên một con sông. Hành trình giống như ta đang lượn quanh các hòn đảo. Những hòn đảo dài, phủ đầy tán lá đan kín trên mặt nước. Rừng ngập mặn và cây cọ… nhưng tôi không phân biệt được hình dáng. Chỉ là chằng chịt tán lá cuộn thành búi mà đôi khi có một cành cọ vươn lên như ngôi sao. Cảnh trí đơn điệu buồn thảm, mênh mông nước, dưới một bầu trời gầm gừ như chuẩn bị giông bão.

Qua ống nhòm người ta chỉ cho tôi một thôn làng: những túp lều, những con người nhỏ bé, trâu bò, một chiếc ghe khuất sau hàng cọ cao. Trong bạt ngàn màu xanh trần trụi như biển cát, hình ảnh đó hiện lên thật cô lẻ…

Rồi gã hành khách kỳ quặc tiến gần đến tôi. Bằng một cử chỉ giận dữ, gã chỉ cho tôi hàng cây ngập mặn và nói:

- Đẹp chứ hả?

Làm như gã sẽ chết buồn ở xứ Bretagne vậy.

Người ta đánh giá tôi thấp ghê!

Thất vọng ư? Tại sao? Vì nó không giống với những xứ sở mê ly trong sách? Vì gã hành khách kỳ quặc sẽ không tìm ra động lực nào ở một nơi không đầu không cuối này?

Tuy vậy, tôi phải làm quen với sự vắng mặt của biển cả. Nó vẫn len lỏi trong không khí ẩm ướt, vẫn lẩn khuất trong những khúc quanh của dòng sông, chính đất liền tạo ra hằng hà đối tượng cho biển. Đó là hạn định, là kết cục của đất liền. Vài mái nhà, vài ngọn cây xa xa trên một nền đất phẳng.

Sông Sài Gòn thập niên 1920 qua ống kính Léon Ropion

BELLEINDOCHINE.FREE.FR

Đây phải là cảnh sắc của vùng ven Bourg-en-Bresse nếu không có bóng cọ và nước. Song chỉ là một chốc lát thôi. Sông-hồ chảy xen vào những cuộc đất liền kề nhau như mê cung. Xứ sở bằng phẳng này, vốn đã nhấn chìm tôi trong uể oải, bạc nhược, dường như không vững vàng nổi. Cơ hồ có thể uốn cong nó.

Cái nóng không đến đột ngột. Ở Pháp, vào tháng bảy người ta xòe bàn tay ra như thể thử nhiệt độ lò lửa. Ở đây, hơi nóng bốc lên như hơi nước bồn tắm. Nó không thiêu đốt. Nó dâng lên khẽ khàng. Không biết nó đến từ đâu. Nó không chảy thành dòng dưới một cái nắng hạn độ. Nó hiển hiện khắp mọi nơi.

Trên sông ghe thuyền len lỏi. Trên bờ, một bức tường trắng, một bức tường sáng lóa. Đó là đám người Âu, chen nhau ra đón tàu thủy… Giờ tôi mới thấy rõ các nhóm chụp hình chụm lại theo từng sắc tộc: người Âu, người Hindu, người An Nam.

Sài Gòn khiến người ta mê mệt hoặc chán ghét

Sài Gòn khá giống Passy với những tòa nhà trưng trổ lan can kiểu Louis XIII và mũ cột kiểu Macaronico. Những villa có vườn cây và hàng rào bao quanh cũng làm ta nhớ tới thành phố nào đó ven sông. Sài Gòn khiến người ta mê mệt hoặc chán ghét như Vichy. Đôi khi những nốt dương cầm vang lên trong một con phố lại làm liên tưởng tới một thị trấn tỉnh lẻ. Hẳn là một cô gái Âu châu nào đó đang nghiền ngẫm bản nhạc. Thực dân gọi Sài Gòn là hòn ngọc Viễn Đông. Quả thực họ có chút tự mãn về kiểu kiến trúc thô lậu và những cơ sở thủy trị liệu của họ.

Bên trong những ngôi nhà giàu có của người Sài Gòn trưng các lọ hoa de Gallé và gối dựa tân thời do một bà thợ may làng thêu, bà chưa bao giờ thấy gì ngoài những hình ảnh chêm trang của tờ Petit Journal. Một gã Dufayel An Nam cực kỳ chú trọng cách bài trí và trang hoàng: nội thất, khay mâm, đồ thêu và tượng Phật thậm chí không gây nên một loại hương xa trái khoáy. Bởi lẽ ở Paris, các cửa hàng lớn bày đồ Trung Hoa - Nhật Bản cũng chẳng đạt tới cảnh giới lố bịch này. Thường họ sẽ thêm vào một bộ đồ hút nữa là hoàn chỉnh. Đó là giấc mơ của một gã thợ thạch cao và một cô thợ khâu trong làng, những kẻ chẳng đọc gì nên hồn.

Đêm đầu tiên tôi được giới thiệu với một nhà công nghiệp người Mỹ. Hắn say mèm. Mí mắt hắn sụp xuống cằm. Hắn bám vào xe hơi, bước lên bậc, ghì tôi trong cánh tay:

Whisky… Ông bạn tới uống một ly đi mà…

Xe hơi nổ máy. Hắn vẫn cứ đứng trên bậc lên xuống. Xe hơi ngừng:

Một ly hoy…

Hắn phát âm là hoy, từ tiếng Pháp duy nhất mà hắn biết.

Giai thoại về gã thực dân nghiện rượu ư? Ồ không… đó chỉ là một gã tuyệt đối say xỉn mà tôi quen ở Sài Gòn. Giờ đây quanh tôi là dân Pháp trung lưu, dễ thương, tốt bụng, đầy ắp những ý tưởng nhàng nhàng, nhưng không ba hoa và cũng chẳng tự phụ. Ai nấy đều sẵn sàng giúp tôi bằng tất cả kinh nghiệm thực dân của họ. Tôi được chỉ cho những danh thắng đẹp nhất và những tour dã ngoại thú vị nhất. Họ cũng vui lòng bộc lộ cho tôi thấy tâm hồn An Nam.

Phải nói rằng tôi là một trong số người Âu được dân An Nam quý mến. Và những cuộc tán gẫu trên thuyền đã chứng minh rằng dân An Nam thực sự khác biệt. Nhưng tôi thì lại chẳng biết tí gì về tâm hồn An Nam, tôi ngạc nhiên vì lẽ tâm hồn đó quá đơn sơ, quá dễ tiếp cận đến nỗi có thể khuôn nắn nó tùy ý. Và tôi cảm thấy rõ, về bản chất, tâm hồn đó chỉ hiển hiện trước tôi như một cái bóng. Tuy nhiên, không ai ở đây có thể phủ nhận những phẩm chất trí tuệ của người An Nam. Người ta sẵn sàng tách bạch khỏi đám đông những ai từng theo học đại học ở Pháp và những ai xứng đáng với bằng cấp của Pháp. (còn tiếp) t

(Nguyễn Quang Diệu lược trích từ tác phẩm Nam kỳ ngao du của nhà văn Léon Werth)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.