Sân khấu của họ gồm hai loại hình: chính kịch lịch sử với cảnh trí được dàn dựng lộng lẫy, những vở kịch nửa thế tục, nửa tôn giáo, khá giống với những vở kịch tôn giáo thời Trung cổ của chúng ta; và những hài kịch hư cấu, ở các vở kịch loại này, người An Nam thể hiện mình rất có óc quan sát và luôn sẵn tính hài hước, họ rất xuất sắc trong việc nêu bật chính các khuyết điểm của mình, và họ là những người đầu tiên cười một cách chân thành về các khuyết điểm ấy.
Nhạc công An Nam và Cao Miên |
J.C.Baurac |
Đó là một người nghiện thuốc phiện đang mắc nợ, và để thỏa mãn cơn nghiện, liên tiếp bán mọi cái anh ta có: đất đai, nhà cửa, vợ con, cho đến khi nghèo khổ cùng cực, anh ta bán cả bản thân mình; đó là một nhà nho già, một nhân vật điển hình trọn vẹn cho kẻ gian giảo thập thành, luôn tỏ ra lễ độ nhưng là kẻ thông thái rởm, dành cả cuộc đời để theo đuổi một chức vị cao sang luôn vuột khỏi ông ta; đó là một hương chức buôn bán công lý, hoặc những tên trộm, qua cả ngàn tình tiết khôi hài, cuối cùng bị bắt và nhận cái giá xứng với tài khéo quá mức của họ. Người An Nam rất say mê những buổi diễn này đến nỗi họ quên cả ăn uống.
Cách dàn dựng các vở kịch này hết sức thô sơ và không hề có ý định tạo ra ảo tưởng như thực. Nói đúng ra ở đây không có nhà hát; khi một hương chức lớn, một làng hoặc một người giàu có nào đó muốn tự mình thưởng thức hài kịch, người ta sắp xếp cho các diễn viên đến chùa hoặc nhà việc chung. Không có cả hậu đài lẫn bài trí phối cảnh, nhưng có rất nhiều trống và chũm chọe, để tạo nhiều tiếng ồn nhất có thể và điểm các đoạn diễn nổi bật nhất.
Các diễn viên mặc trang phục sang trọng và đánh phấn mà không có chút băn khoăn nào về thực tế lịch sử. Họ hát vai diễn của mình bằng giọng kim, khiến ta thấy khó chịu và giả tạo. Ta biết rằng, trên khắp phương Đông, các phong tục chung, nghiêm khắc hơn ở ta, cấm phụ nữ xuất hiện trên sân khấu; vì vậy các chàng trai trẻ đóng luôn các vai nữ. Vả chăng, nghề diễn bị coi thường và bị xem là hèn hạ; diễn viên thường là người ở đáy xã hội, phiên chế dưới sự lãnh đạo của một ông bầu đưa họ từ làng này sang làng khác, bất cứ nơi nào người ta gọi họ đến diễn và chịu trách nhiệm về họ trước chính quyền của xứ đó.
Âm nhạc đi kèm với những buổi diễn này cũng thô sơ như vở kịch. Người An Nam có ba hoặc bốn nhạc cụ dây gá trên ngựa đàn và một loại sáo [trúc - ND] nhiều lỗ đại diện cho tất cả nhạc cụ hơi; thêm trống đánh bằng tay hoặc dùi, chũm chọe, một loại thanh xèng tam giác và như vậy bạn có cả dàn nhạc. Tất cả nhạc cụ này có chơi theo nhịp đều đặn hay không thì khi nghe vào tai người Âu châu chúng ta cũng chỉ là một mớ âm thanh lộn xộn mà thôi.
Nhạc công An Nam ở Sài Gòn |
Emile Gsell |
Nhưng người An Nam thì không nghĩ vậy; dù họ không có cả ý tưởng về cung và bán cung, lẫn âm giai trưởng hoặc thứ như chúng ta, họ vẫn thấy âm nhạc của mình rất hay và thích nó hơn âm nhạc chúng ta nhiều, loại âm nhạc không có ý nghĩa gì với họ; họ nói với niềm tự hào về tám âm dùng để sáng tác nhạc, bát âm. Nói thật, ta không hiểu điều gì khi nghe qua tám âm, bởi vì ta thấy không có cái gì đơn điệu hơn là sự biểu diễn của họ. Nó luôn cùng một chủ đề (thème) lặp lại đến phát chán, với phần đệm đi kèm, hiển nhiên để che đậy sự nghèo nàn của nhạc tố.
Thực sự nó khó mà khác đi được vì tiếng An Nam, giống như tiếng Trung Hoa với âm sắc có sẵn, nhạc phải khớp với lời và không thể viết lời cho một bản nhạc đã thành hình như ta. Do đó, âm nhạc của xứ sở này buộc phải tuân theo sự ca ngâm của diễn viên và tăng cường âm lượng, bằng cách ngân nga cuối câu và nhấn mạnh các từ gây hiệu ứng trong đoạn thoại.
Người An Nam đam mê âm nhạc; họ không chỉ chơi nhạc trên sân khấu, mà còn chơi trong mọi sự kiện quan trọng của đời sống: đám cưới, đám tang, lễ hội. Trong hầu hết các làng, ta thấy những đội nhạc công luôn sẵn sàng có mặt khi được trả thù lao.
(còn tiếp)
(Trích từ Nam Kỳ và cư dân, J.C.Baurac, Huỳnh Ngọc Linh dịch, Omega+ và NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản 2022)
Bình luận (0)