Nam kỳ thuộc địa, từ Hiệp ước Nhâm Tuất đến Giáp Tuất: La Grandière - 'kẻ được chọn'

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
15/01/2022 07:21 GMT+7

Phó đô đốc Bonard tại vị được một năm rưỡi thì bị thay thế bởi Đề đốc La Grandière - một con người đầy cơ mưu, chính ông ta là “kẻ được chọn” để giúp nước Pháp chiếm trọn Nam kỳ lục tỉnh của Đại Nam.

Khi mới lên thay Chasseloup-Laubat ngày 19.1.1867, tân Bộ trưởng Rigault de Genouilly, cựu Tổng tư lệnh quân viễn chinh Nam kỳ, ngầm tán thành ý định bành trướng của Thống soái Nam kỳ La Grandière. Lá thư Rigault de Genouilly viết cho La Grandière ngày 18.2.1867 có một số nội dung rằng, khi cần thì đội quân viễn chinh tại Nam kỳ có thể tổ chức cuộc biểu dương lực lượng để triều đình Huế hiểu rằng để bảo vệ quyền lợi và an toàn cho người Pháp ở Nam kỳ thì có thể họ sẽ dùng vũ lực để đòi thứ mình muốn…

Phan Thanh Giản lên chiến hạm Ondine thương thảo với La Grandière

Tập san Le Monde illustré, số 541 (24.8.1867), tr.120

Tuy nhiên, bối cảnh chính trị ở châu Âu phát sinh một số vấn đề khiến Rigault de Genouilly thay đổi ý định và viết thư yêu cầu La Grandière cẩn trọng, chờ mệnh lệnh chứ không được tự ý hành động. Bấy giờ, 1.000 quân viễn chinh Nam kỳ trên tổng số 4.000 đang sa lầy ở Cao Miên chưa thể về Pháp được khiến chi phí quân sự tăng, mặt khác nước Pháp cũng cắt giảm chi phí dành cho Nam kỳ.

Trong vòng hai tháng, giữa tháng 4.1867 đến giữa tháng 6.1867, Rigault de Genouilly viết thư cho La Grandière khá nhiều lần, liên tục yêu cầu viên phó đô đốc phải hành động thận trọng. Lá thư gửi ngày 16.5.1867 có nội dung: “Mặc dù nhìn chung tình hình châu Âu có phần an toàn hơn, nhưng quan trọng là đừng để bất cứ một khó khăn mới nào làm phức tạp thêm những khó khăn chúng ta còn đang vật lộn ở Cao Miên. Như thế ông phải tránh tất cả những gì khiến triều đình Huế lo âu, và đợi tôi cho phép, hoặc khởi động lại cuộc vận động của ông với triều đình Huế…” (Trương Bá Cần, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam kỳ (1862 - 1874), Vũ Lưu Xuân dịch, TuvanBooks và NXB Thế giới, 2011, tr.167 - 168).

Trong công điện ngày 10.6.1867, một lần nữa ngài bộ trưởng yêu cầu La Grandière “cho tới khi có lệnh mới, ông không được nghĩ tới việc ra oai với ba tỉnh (miền Tây Nam kỳ)” (Trương Bá Cần, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam kỳ (1862 - 1874), sđd, tr.168).

Nhưng Thống soái Nam kỳ La Grandière bỏ ngoài tai lệnh của cấp trên.

Đơn phương chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ

Giám đốc Nha Nội vụ Paulin Vial viết trong cuốn sách Những năm đầu Nam kỳ thuộc Pháp rằng, từ cuối tháng 3.1867, “một sĩ quan tận tụy đã thảo sẵn tất cả các mệnh lệnh, chỉ dẫn, chuẩn bị mọi bản đồ cần thiết để tiến hành việc chiếm đóng đất đai… Ông đã tự tay sửa từng dự án, và toàn bộ giấy tờ, không ghi ngày tháng, tất cả được giữ kín đến lúc giao cho người có trách nhiệm chỉ huy và quản lý những vùng đất mà chúng tôi sẽ chiếm đóng…” (Les premières années de la Cochinchine colonie française, tập 2, Paris, 1874, tr.124). Viên “sĩ quan tận tụy” đó không ai khác chính là Thống soái Nam kỳ La Grandière.

Từ giữa tháng 10.1866, La Grandière cử Giám đốc Nha nội vụ Paulin Vial và linh mục Legrand de la Lyraie đến Huế lặp lại yêu cầu chuyển nhượng ba tỉnh miền Tây mà chuyến đi trước đó Legrand de la Lyraie đã đề nghị, rằng nước Pháp sẽ giảm nửa chiến phí, ủng hộ ngai vàng của vua Tự Đức và bảo đảm quyền thừa kế, và sẽ giúp nhà vua dẹp nạn giặc biển ở phía bắc nếu chịu nhượng ba tỉnh miền Tây. Trước đó ba tháng, tại triều đình Huế xảy ra một chính biến do anh em Đoàn Hữu Trưng và Đoàn Hữu Ái cầm đầu, nhằm đưa Đinh Đạo (con của An Phong công Hồng Bảo) lên thay Tự Đức, nhưng âm mưu bất thành. Chuyến đi của Paulin Vial thất bại vì vua Tự Đức không tiếp.

Ngày 14.2.1867, La Grandière phái Monet de Lamarck ra Huế, nhắc lại đề nghị cũ với giọng điệu đe dọa, nhưng những yêu sách của ông ta vẫn bị phớt lờ, tạo thêm cớ để La Grandière hiện thực hóa tham vọng bành trướng bằng con đường vũ lực. Dù quyết tâm và nóng lòng đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ, nhưng bản thân La Grandière ý thức được những khó khăn mà quân viễn chinh phải đối mặt.

Trong báo cáo gửi ngài bộ trưởng ngày 29.3.1867, viên phó đô đốc viết: “Chính quyền Annam (tức Đại Nam) cứ muốn trì hoãn, chẳng có gì để trông đợi, và tôi buộc phải từ bỏ ý định tiếp tục thương lượng (…). Tôi sẽ đợi thời cơ thuận tiện, để dàn quân tại ba tỉnh kế bên” (Trương Bá Cần, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam kỳ (1862 - 1874), sđd, tr.173).

Với La Grandière, bấy giờ giải pháp ôn hòa không thể thực hiện được, phải thay thế bằng bạo lực quân sự, dù Paris không bật đèn xanh, nhưng ông ta vẫn đơn phương lên kế hoạch và âm thầm thực hiện. Ngày 15.6.1867, La Grandière hạ lệnh hành quân, yêu cầu các cánh quân tập trung tại Mỹ Tho ngày 19.6.

Bảy giờ sáng 20.6.1867, các phân đội củng cố vị trí trước thành Vĩnh Long, La Grandière cử người đưa tối hậu thư cho Kinh lược sứ Phan Thanh Giản yêu cầu dâng thành để tránh đổ máu dẫn đến cái chết đầy bi kịch của vị đại thần họ Phan. Từ ngày 20 - 24.6.1867, quân Pháp dễ dàng chiếm đóng ba tỉnh miền Tây.

Về phía Bộ trưởng Hải quân, khi bất ngờ nhận được tin tức về hành động quân sự của La Grandière vào ngày 18.7.1867, ông ta liền gửi thư trách móc cấp dưới, cuối thư ông viết: “Giờ đây, tôi chỉ có thể khuyên ông, một lần nữa, hãy dè dặt và từ tốn, trong lúc chờ đợi những chỉ thị mà tôi sẽ gửi cho ông, sau khi đã nắm được những công việc đã lỡ làm” (Nguyễn Xuân Thọ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858 - 1897), Omega+ và NXB Hồng Đức, 2018, tr.179).

Với sự đã rồi, Pháp hoàng chỉ thị cho Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Hải quân Pháp phối hợp với La Grandière xử lý vụ việc. Trong hai lá thư gửi đi cùng ngày 18.8.1867, hai vị bộ trưởng cho phép La Grandière toàn quyền thương thuyết với triều đình Huế để duy trì hòa bình và hợp thức hóa việc chiếm đóng sáu tỉnh Nam kỳ.

Phó đô đốc La Grandière ở Nam kỳ 5 năm, nhưng đã thực thi được hai nhiệm vụ quan trọng trong lịch sử thuộc địa Pháp, đó là thiết lập nền bảo hộ ở Cao Miên và biến toàn bộ Nam kỳ trở thành thuộc địa của nước Pháp.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.